Đại diện Ví MoMo (thứ 2 từ trái sang) tham gia Phiên thảo luận trong khuôn khổ VVS2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày 25/11/2020. |
Theo ông Diệp, dịch Covid-19 vừa qua đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của dịch chuyển số, trong đó có thanh toán điện tử. "Trước dịch Covid-19, MoMo có 10 triệu khách hàng, nhưng đến nay chúng tôi tiếp cận thêm được 10 triệu khách hàng nữa chỉ trong khoảng 1 năm. Đây là một điều rất đặc biệt”, ông Diệp đánh giá.
Dự báo về triển vọng đầu tư vào lĩnh vực này thời gian tới, ông Diệp nhận định năm 2021 cũng như những năm sắp tới, chuyển đổi số và thanh toán điện tử sẽ có đà phát triển rất mạnh, bởi hiện nay đang phát triển thành một xu hướng mọi người đều sử dụng. Chính việc sử dụng như vậy đã mang lại lợi ích cho cả cá nhân và doanh nghiệp.
“Theo thông lệ của thị trường với quy mô hơn 100 triệu dân, quá trình tái cơ cấu sẽ diễn ra trong 3 - 5 năm tiếp theo và có thể chỉ còn 2 - 3 ví tồn tại. MoMo sẽ tích cực tham gia vào quá trình phấn đấu này để theo đuổi mục tiêu trở thành ví điện tử lớn nhất Việt Nam trong thời gian tới”, ông Diệp nói.
Vì vậy, thảo luận về tầm quan trọng của chuyển đổi số khi nền kinh tế số trở thành xu hướng, đại diện Ví MoMo không dấu tham vọng khi cho biết, MoMo mong muốn trở thành một “đại bàng” ngay trên lãnh thổ của mình. “Nhà nước đang mời gọi nhiều “đại bàng” quốc tế về làm tổ, vậy tại sao chúng tôi không trở thành một “đại bàng” của Việt Nam với sự hỗ trợ từ Nhà nước. Chúng tôi luôn có ước mơ trở thành ví điện tử lớn nhất Việt Nam, là “đại bàng” của quốc gia thay vì chạy theo lợi nhuận trước mắt”, lãnh đạo Ví MoMo bày tỏ.
Được biết, vừa qua, Ví MoMo đã là ví dụ tiêu biểu về doanh nghiệp Việt Nam thành công khi vượt qua nhiều vòng gọi vốn, nhận được nhiều đầu tư từ các quỹ đầu tư uy tín.