Mong manh nền tảng tăng trưởng

(BĐT) - Cải thiện về tăng trưởng năng suất và hiệu quả đầu tư trong thời gian qua là nhờ sự tự vận động của nền kinh tế thị trường. Còn thể chế, cơ chế chính sách hỗ trợ thị trường thì vẫn không có sự thay đổi.
Doanh nghiệp đang rất cần những hỗ trợ về chính sách từ phía Nhà nước. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp đang rất cần những hỗ trợ về chính sách từ phía Nhà nước. Ảnh: Lê Tiên

Thành quả kinh tế từ đâu?

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, tăng trưởng bình quân đạt 5,9%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn được cho là tương đối cao so với mức trung bình của các nước đang phát triển và mới nổi.

Bên cạnh đó, thặng dư tài khoản vãng lai lần đầu tiên so với 3 giai đoạn liền trước, trung bình là 3,25% GDP/năm. Chính sách tiền tệ cũng được cho là “có phần ổn định” so với giai đoạn liền trước. Lạm phát cả giai đoạn cũng đã giảm xuống ở mức 8,13%/năm.

Song, chính sách tài khóa lại gặp những khó khăn, bất cập. Với việc bội chi ngân sách nhà nước trung bình cả giai đoạn ước tính tăng mạnh lên mức 5,95% GDP; cơ cấu chi thường xuyên cũng tăng rất nhanh thêm 14,55% so với giai đoạn trước đó; nợ ròng của Chính phủ vẫn tăng đều và liên tục từ 26,8% GDP (năm 2000) lên 61,22% GDP vào cuối năm 2015.

Ở góc nhìn của mình, những nền tảng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian tới được ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright cho là “rất mong manh”. “Thành quả của tăng trưởng trong thời gian qua không được như mong muốn. Có nhiều yếu tố để thúc đẩy nhưng tăng trưởng vẫn thấp hơn so với tiềm năng và thua kém nhiều quốc gia trong khu vực” – ông Thành nhận định.

Sự “mong manh” của nền tảng cho tăng trưởng được ông Thành lý giải là do sự tự vận động của nền kinh tế thị trường, trong khi những thể chế hỗ trợ thị trường thì vẫn chưa có.

Cụ thể, ở phía sản xuất là sự trỗi dậy và gia tăng mở rộng mạnh mẽ của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đã giúp kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng. Ở phía cầu, kinh tế đã không còn phải dùng đầu tư để kéo tăng trưởng, bởi trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, đầu tư công không thể tăng mạnh như giai đoạn trước thì tiêu dùng dân cư sẽ phải trở thành động lực của tăng trưởng. Nếu nhìn ngắn hạn trong năm 2015, đóng góp của đầu tư chỉ bằng ½ đóng góp của tiêu dùng dân cư cho tăng trưởng so với cùng kỳ.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Nhà nước nên tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhà nước có thể dùng lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế để so sánh với các nước trong khu vực, với những nền kinh tế hàng đầu, để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh"
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cung cấp các dịch vụ công, điều tiết thị trường… là những việc Nhà nước cần làm trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, Nhà nước không được can thiệp trực tiếp vào thị trường. Trường hợp kinh tế phát triển chậm, Nhà nước có thể can thiệp bằng các mệnh lệnh hành chính, song sự can thiệp này không được đi ngược lại lộ trình phát triển của kinh tế thị trường.

“Nhà nước nên tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhà nước có thể dùng lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế để so sánh với các nước trong khu vực, với những nền kinh tế hàng đầu, để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, ông Thành khuyến nghị.

Cũng theo ông Thành, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đòi hỏi thay đổi thể chế, thay đổi “luật chơi” giữa Nhà nước với doanh nghiệp chứ không chỉ là những nghị quyết mang tính mệnh lệnh, hành chính. Những nghị quyết này ban đầu có thể phát huy tác dụng, doanh nghiệp kêu khó và Chính phủ trong bối cảnh sốt sắng hành động thì sẽ giải quyết được. Nhưng sau một thời gian thì “đâu sẽ lại đóng đấy”, bởi chúng ta vẫn có sự phân mảng và cát cứ về thể chế.

Do đó, hơn hết, ông Thành cho rằng, các cơ quan điều tiết độc lập, cơ quan bảo đảm cạnh tranh phải có những tiêu chí về mặt thời gian xử lý thuế, hải quan cho doanh nghiệp, có những thay đổi về bộ máy và cách làm việc thì môi trường đầu tư, kinh doanh mới có sự cải thiện.