Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Bên cạnh những con số ấn tượng về các chỉ tiêu đạt được, bức tranh xuất nhập khẩu cũng để lại nhiều lo ngại, nhất là khi nền kinh tế đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng.
Tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giai đoạn 2011 - 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 17,5%/năm, cao hơn giai đoạn 2006 - 2010 (tăng 17,3%/năm) và cao hơn mức đề ra trong Chiến lược xuất - nhập khẩu của Việt Nam đến năm 2020 (tăng 12 - 14%/năm). “Xuất khẩu tăng trưởng mạnh là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm vừa qua”, Bộ Công Thương khẳng định.
Điều đáng ghi nhận trong giai đoạn 2011 - 2015 là cơ cấu xuất khẩu có những chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần hàm lượng xuất khẩu thô, tăng mạnh xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến, sản phẩm công nghiệp. Cụ thể, xuất khẩu nhiên liệu, khoáng sản giảm dần từ mức 11,6% năm 2011 xuống còn 3% vào năm 2015; xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản giảm từ 20,3% xuống còn 12,7%... Trong khi đó, xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ gần 60% lên gần 79%.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu đang chuyển dịch theo hướng giảm dần xuất khẩu sang thị trường châu Á, từ mức 51,3% năm 2011 xuống còn hơn 49% vào năm 2015. Ngược lại, châu Âu và châu Mỹ đang dần trở thành đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam khi mà chỉ tính riêng thị trường châu Mỹ, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 20,5% lên trên 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhưng chưa bền vững. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, cho đến năm 2015 chỉ tăng trưởng 7,9% - không đạt mục tiêu đặt ra là 10% và phụ thuộc rất lớn vào một số ít thị trường như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN. Chỉ tính 5 thị trường này đã chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015. Nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo (điện thoại, điện tử, dệt may, giày dép…) chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, song hầu hết là gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng rất thấp. Nếu như năm 2011, khu vực doanh nghiệp FDI chỉ chiếm tỷ trọng 49% (không kể dầu thô) trong tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2015 đã chiếm 68,2% - góp phần lớn trong việc cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam.
Khu vực FDI lấn lướt
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số 26 chỉ tiêu được Quốc hội đặt ra từ đầu nhiệm kỳ, sau 5 năm, Chính phủ đạt và vượt 16 chỉ tiêu, một trong những chỉ tiêu ấn tượng nhất là đã kiềm chế được nhập siêu từ mức 17,4% giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 2% (chỉ tiêu đặt ra là dưới 10%) nhờ đẩy mạnh được xuất khẩu với tổng kim ngạch đạt 656 tỷ USD.
“Kết quả xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu mà chúng ta đạt được chủ yếu trông chờ vào khu vực FDI, còn khu vực trong nước xuất khẩu tăng trưởng rất chậm, nhập siêu vô cùng lớn. Chỉ tính riêng năm 2015, khu vực trong nước nhập siêu tới 20,5 tỷ USD, nếu không có khu vực FDI xuất siêu 17 tỷ USD thì không biết tỷ lệ nhập siêu của chúng ta là bao nhiêu ”, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẳng thắn nhận xét.
“Trong 3 - 4 năm gần đây nếu không có Samsung thì không biết cán cân thương mại sẽ chênh lệch thế nào và cũng không biết nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 có đạt được hay không. Vì chỉ trong 3 năm qua, tốc độ xuất khẩu của Samsung tăng chóng mặt (năm 2013 xuất khẩu 3,9 tỷ USD; năm 2014 xuất khẩu 6,5 tỷ USD và năm 2015 xuất khẩu 11,1 tỷ USD) với tổng kim ngạch lên tới 21,5 tỷ USD”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhận định.
Không phủ nhận những đóng góp rất tích cực của khu vực FDI trong sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong suốt 30 năm đổi mới, đặc biệt trong hoạt động xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, song TS. Trần Du Lịch cũng bày tỏ sự quan ngại trước việc khu vực FDI phát triển ngày càng mạnh mẽ, trái ngược với doanh nghiệp trong nước. TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lo ngại khi tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu giữa khu vực trong nước và khu vực FDI ngày càng mất cân đối. Khu vực trong nước, kể cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp dân doanh, nếu như năm 2011 còn chiếm tỷ trọng 50,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thì hiện chỉ còn 33,3%. Nếu như năm 2011 tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước còn đạt trên 26% thì đến năm 2015 giảm mạnh, khi chỉ tăng trưởng 7,9%.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa lo ngại, với việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều sản phẩm của ngành nông nghiệp Việt Nam như gạo, mía đường, thịt bò, thịt gà… đang đứng trước nguy cơ mất thị phần nội địa chứ chưa nói gì đến đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong khi đó, dệt may, một trong những ngành được đánh giá là sẽ đẩy mạnh được xuất khẩu khi các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP có hiệu lực, doanh nghiệp nội địa cũng có nguy cơ chỉ làm thuê cho doanh nghiệp FDI. Với quy định về xuất xứ nguyên, phụ liệu, hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đang đổ vốn vào Việt Nam để sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may. “Như vậy, dù không trực tiếp nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nguyên, phụ liệu của nước ngoài ngay trên chính sân nhà mình”, ông Hòa nhấn mạnh.