Mỹ áp thuế 25% với nhôm, thép nhập khẩu: Doanh nghiệp Việt ứng phó thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ ngày 4/3/2025, Mỹ sẽ áp thuế 25% đối với toàn bộ sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu vào nước này. Giới kinh tế nhận định, chính sách này sẽ tác động tiêu cực tới các nước xuất khẩu (XK) nhôm, thép vào Mỹ. Để giảm thiểu tác động bất lợi, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm tăng trưởng kinh tế.
Mặt hàng nhôm và thép của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đang phải chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25%. Ảnh: Anh Tuấn
Mặt hàng nhôm và thép của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đang phải chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25%. Ảnh: Anh Tuấn

Doanh nghiệp nhôm, thép chịu ảnh hưởng

Theo ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, Mỹ áp dụng bổ sung 25% thuế nhập khẩu là rất cao. Trong khi đó, hiện các DN nhôm XK của Việt Nam còn phải chịu 5% thuế XK. Chính sách mới sẽ khiến sản phẩm nhôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ gặp nhiều khó khăn, khả năng cạnh tranh là rất khó.

Trước thông tin nêu trên, đại diện một DN sản xuất thép cho biết, mặt hàng nhôm và thép của Việt Nam đang phải chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25% theo Mục 232 mà Mỹ áp dụng từ năm 2018 với hầu hết các nước. Đến năm 2021, Mỹ bỏ áp dụng đối với EU, nhưng vẫn áp dụng với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

“Chính sách mới sẽ ảnh hưởng mạnh tới các nước XK thép vào Mỹ. Để giảm thiểu khó khăn cho các DN nội địa, các nước có thể sẽ dựng các hàng rào thuế quan để bảo hộ sản xuất. Theo đó, cạnh tranh giữa các DN sản xuất sẽ ngày càng khốc liệt hơn”, đại diện DN thép này nhận định.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, mức độ ảnh hưởng đối với DN thép Việt Nam là không nhiều. Nguyên nhân là mỗi năm, Mỹ nhập khẩu khoảng 32 - 34 triệu tấn thép từ Việt Nam - đây là sản lượng không lớn. Ngoài ra, chính sách này chỉ ảnh hưởng lớn đối với một số sản phẩm đặc thù như tôn mạ - mặt hàng mà một số DN thép Việt Nam có XK vào Mỹ.

Liên quan đến vấn đề này, theo đánh giá từ Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), Tập đoàn Hòa Phát chịu ảnh hưởng trực tiếp khá thấp do tỷ trọng xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 30% tổng doanh thu, trong đó thị trường Mỹ đóng góp 5 - 10%, tương đương 1,5 - 3% tổng doanh thu. Tuy nhiên, Hòa Phát có thể chịu tác động gián tiếp khi Tập đoàn Hoa Sen và Công ty Thép Nam Kim là 2 đối tác lớn tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) của Hòa Phát sẽ gặp khó khăn về thuế quan, dẫn đến giảm nhu cầu mua HRC đầu vào.

Theo ACBS, Thép Nam Kim sẽ chịu tác động lớn do hoạt động XK chiếm 40 - 60% doanh thu của doanh nghiệp, trong đó Mỹ là thị trường lớn thứ ba sau châu Á và châu Âu. Trong khi đó, doanh thu XK của Hoa Sen chiếm 40 - 50% tổng doanh thu, thị trường Mỹ đóng góp khoảng 15 - 20% doanh thu XK.

Chủ động giải pháp giảm thiểu rủi ro

Ông Nguyễn Minh Kế cho hay, ngành nhôm vẫn chưa có giải pháp gì để có thể ứng phó với việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu. Để bảo vệ DN sản xuất, Hội đã kiến nghị cấp có thẩm quyền bỏ thuế XK 5% đối với sản phẩm nhôm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đề xuất trên vẫn chưa được chấp thuận. “Có vẻ cấp có thẩm quyền chưa quan tâm thích đáng đối với đề xuất này”, ông Kế cho biết và mong muốn cấp có thẩm quyền sớm xem xét, chấp thuận đề xuất bỏ thuế XK để tháo gỡ phần nào khó khăn mà DN ngành nhôm đang đối mặt.

Song song với đó, Chính phủ cần phải có giải pháp hiệu quả trong việc siết chặt quản lý đối với hàng nhập khẩu giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam, trong đó có mặt hàng nhôm, thép để bảo vệ sản xuất trong nước.

Một số DN thép đề xuất xem xét áp thuế tự vệ để bảo hộ sản xuất trong nước. Việc áp thuế tự vệ, trước mắt có thể gây khó khăn cho một vài DN nhưng về tổng thể sẽ bảo vệ được các DN sản xuất thép trong nước.

Khuyến nghị với DN xuất khẩu Việt Nam nói chung, trong đó có DN nhôm, thép, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, các DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao; cải tiến quy trình sản xuất để giảm chi phí; đa dạng hóa thị trường XK, tìm kiếm các thị trường mới; đánh giá đối thủ cạnh tranh và chính sách phù hợp với thị trường đó; đổi mới công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số… Từ đó, tăng năng lực cạnh tranh trước bối cảnh thị trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường.

Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, năm 2024, Việt Nam XK khoảng 12,62 triệu tấn thép, tăng 13,47% so với năm 2023 với giá trị đạt 9,08 tỷ USD, tăng 8,78%. Trong đó, Mỹ là thị trường XK lớn thứ ba, chiếm 13% thị phần, đứng sau ASEAN (26%) và EU (23%). Bên cạnh đó, Mỹ cũng là thị trường XK nhôm thuộc top đầu của DN Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục