Mỹ nâng biên độ bán phá giá sơ bộ với 2 doanh nghiệp thép Việt Nam

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sửa đổi quyết định sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon của một số nước trong đó có Việt Nam do một số lỗi trong quá trình xác định biên độ bán phá giá.
DOC sửa đổi quyết định sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm Ống thép cuộn cacbon của một số nước trong đó có Việt Nam
DOC sửa đổi quyết định sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm Ống thép cuộn cacbon của một số nước trong đó có Việt Nam

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 15 tháng 7 năm 2016, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo sửa đổi quyết định sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm Ống thép cuộn cacbon (Circular Welded Carbon-Quality Steel Pipe - CWP) của một số nước trong đó có Việt Nam do một số lỗi trong quá trình xác định biên độ bán phá giá.

Theo đó, DOC đã nâng biên độ phá giá sơ bộ của hai doanh nghiệp tại Việt Nam là Công ty chế tạo máy Hồng Nguyên Hải Phòng (Vietnam Haiphong Hongyuan Machinery Manufactory Co., Ltd.), và Công ty thép Hòa Phát lên 2,32%, thay vì lần lượt 1,19% và 0,38% như kết luận sơ bộ được công bố vào tháng 6/2016.

DOC vẫn giữ nguyên mức 0% đối với Công ty SeaH Steel Vina Corporation.

Biện độ phá giá sơ bộ của các doanh nghiệp khác của Việt Nam xuất khẩu sản phẩm ống thép cuộn cacbon vào thị trường Mỹ vẫn giữ ở mức 113,18%.

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm này vào Mỹ sẽ chịu các mức thuế CBPG trên, nếu cả DOC và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) ban hành quyết định cuối cùng cho thấy có hành vi bán phá giá của hàng nhập khẩu và việc này gây thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa.

Trước đó,  ngày 8/6/016 DOC đã ban hành quyết định sơ bộ trong đó kết luận sản phẩm ống CWP nhập khẩu từ Việt Nam được bán tại Hoa Kỳ thấp hơn giá trị thông thường, theo quy định tại mục 733 của Bộ Luật thuế năm 1930 với mức biên độ khác nhau.

Tuy nhiên, bên nguyên đơn không đồng ý với kết luận này và đã nộp bản bình luận đối với báo cáo sơ bộ đúng thời hạn quy định của pháp luật trong đó cáo buộc một số lỗi nghiêm trọng trong việc xác định biên độ đối với các công ty của Việt Nam.

Theo quy định, DOC sẽ tiến hành phân tích, đánh giá tất cả những ý kiến nhận được và, nếu thích hợp, sẽ sửa lỗi bằng  cách thay đổi quyết định sơ bộ theo mục 19 CFR 351.224(e).

Sau khi xem xét, phân tích, DOC xác nhận lỗi nghiêm trọng trong việc xác định biên độ bán phá giá của một số công ty của Việt Nam. Theo đó, DOC đã tiến hành điều chỉnh lại biên độ phá giá trong quyết định sơ bộ và thông báo hải quan Mỹ về sự điều chỉnh này.

Ngày 18/11/2015, DOC đã ban hành thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon của Việt Nam và 4 nước khác. Trong các nước bị điều tra, các doanh nghiệp Việt Nam có biên độ phá giá cáo buộc cao nhất, ở mức 113,18%.

Sản phẩm bị điều tra là ống thép hàn cacbon có thuộc các Mã HS: 7306.19.1010, 7306.19.1050, 7306.19.5110, 7306.19.5150, 7306.30.1000, 7306.30.5025, 7306.30.5032, 7306.30.5040, 7306.30.5055, 7306.30.5085, 7306.30.5090, 7306.50.1000, 7306.50.5050 và 7306.50.5070.

Tin cùng chuyên mục