Ảnh Internet |
Ngày 12/4 tới, Traphaco dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 để trình cổ đông kế hoạch doanh thu thuần 2.485 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2023. Trong đó, kênh OTC là 1.975 tỷ đồng và kênh ETC (kênh đấu thầu bệnh viện) là 245 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng tăng 6% lên 303 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch này, đây sẽ là kết quả cao nhất của Traphaco kể từ khi đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán năm 2008.
Đánh giá về năm 2023, báo cáo của Traphaco cho biết, đây là năm nhiều khó khăn, thách thức với nền kinh tế Việt Nam sau COVID-19; kinh tế tăng trưởng chậm, thu nhập giảm dẫn đến sức mua yếu, người dân có xu hướng khám và lấy thuốc bảo hiểm, hạn chế mua thuốc ngoài. Kênh bán hàng vào bệnh viện, phòng khám tăng trưởng tốt, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty dược có tỷ trọng bán ETC lớn.
Tuy nhiên, do Traphaco có tỷ trọng doanh thu của kênh ETC thấp (dưới 10%) nên ít được hưởng lợi từ tăng trưởng kênh ETC. Trong khi đó, nhu cầu thuốc trên kênh OTC thấp, đặc biệt là các sản phẩm thuốc bổ, thuốc đông dược. Điều này ảnh hưởng bất lợi tới Traphaco - doanh nghiệp có nguồn thu từ kênh OTC lên tới 90%.
Kết thúc năm 2023, Traphaco ghi nhận 2.300 tỷ đồng doanh thu và 285 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều giảm khoảng 3% so với thực hiện năm 2022.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Traphaco tăng 17% so với đầu năm, lên 2.124 tỷ đồng. Trong đó có hơn 782 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn (tăng 56% so với đầu năm), 468 tỷ đồng hàng tồn kho (giảm 2%), 239 tỷ đồng khoản phải thu (tăng 18%)…
Tổng nợ phải trả của Công ty ở mức 635 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm và toàn bộ là nợ ngắn hạn. Trong đó, khoản phải trả người bán ngắn hạn giảm 23% xuống 144 tỷ đồng, song nợ vay ngắn hạn lại tăng gấp hơn 4 lần, từ 40 tỷ đồng lên 168 tỷ đồng.