Thông điệp và chỉ đạo điều hành chính sách năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho thấy rõ quyết tâm khắc phục mọi điểm nghẽn để hoàn thiện hạ tầng chiến lược, tạo lập môi trường kinh doanh có tính kiến tạo, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, đưa nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững.
Tại Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, Thủ tướng nêu rõ chủ trương ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8%. Trong đó, phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8 - 10%, nhất là TP. Hà Nội, TP.HCM, các thành phố lớn, các địa phương là cực tăng trưởng của cả nước cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn để phát huy vai trò đầu tàu mạnh mẽ trong năm 2025.
Để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, nhất là các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục các hạn chế, bất cập, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án. Có chế tài xử lý nghiêm, kịp thời đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; bố trí vốn tập trung, trọng tâm trọng điểm, kiên quyết không dàn trải, manh mún, bảo đảm tổng số dự án nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 không quá 3.000 dự án; tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm.
Cùng với đó, cần tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao; tận dụng hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do đã ký và đàm phán các hiệp định thương mại tự do mới; mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới, nhất là thị trường Halal, Trung Đông, Mỹ La-tinh, châu Phi...; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa; chú trọng cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ pháp lý trong thương mại, đầu tư quốc tế.
Để thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, trình Chính phủ trong quý I năm 2025; tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật...; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích hiệu quả. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đô thị, kinh tế vùng, liên kết vùng.
Để tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia; khẩn trương kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM; phấn đấu cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2025; quyết tâm hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc đến hết năm 2025. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, kiểm soát giá nguyên vật liệu, chỉ tiêu sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án đường bộ cao tốc.
Từ khía cạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, kiểm tra, giám sát. Các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát quy định tại các luật không còn phù hợp, vướng mắc, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ để trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tháng 2/2025.
Các chỉ đạo nêu trên được cụ thể hóa thành các giải pháp chi tiết tại Dự thảo Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và Dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.
Chia sẻ tại cuộc Tọa đàm "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Cơ hội và thách thức" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27/12/2024, các chuyên gia, nhà khoa học chung niềm tin, với thế và lực của đất nước như ngày nay, đây chính là thời điểm chín muồi để chúng ta vững tâm, vững bước và vững tin tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Những thành tựu vĩ đại của đất nước đạt được sau 40 năm Đổi mới giúp chúng ta tích lũy đủ thế và lực cho sự phát triển bứt phá, tăng tốc, cất cánh, vươn lên trong giai đoạn cách mạng tiếp theo.