TP.HCM trình diễn 10.500 drone, bắn pháo hoa tại 30 điểm tối 30/4
TP.HCM đang gấp rút chuẩn bị cho chuỗi sự kiện nghệ thuật quy mô lớn mang tên “Sắc màu Thành phố Bác”.
![]() |
TP.HCM Trình diễn 10.500 drone, bắn pháo hoa tại 30 điểm tối 30/4. Ảnh minh họa |
Thông tin về các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức, chiều 17/4, ông Nguyễn Tấn Kiệt, Trưởng phòng Nghệ thuật (Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố) cho biết, Thành phố đang gấp rút chuẩn bị cho chuỗi sự kiện nghệ thuật quy mô lớn mang tên “Sắc màu Thành phố Bác”.
Điểm nhấn của chương trình là màn trình diễn 10.500 drone, với kỳ vọng sẽ thiết lập kỷ lục thế giới về số lượng thiết bị bay không người lái được điều khiển đồng thời.
Theo ông Nguyễn Tấn Kiệt, vào lúc 20 giờ 45 phút, 10.500 drone sẽ đồng loạt bay lên, tạo nên màn trình diễn ánh sáng độc đáo, mở màn cho đại tiệc thị giác. Ngay sau đó, 21 giờ sẽ diễn ra màn pháo hoa kéo dài 15 phút tại 30 điểm ở khắp Thành phố. Dự kiến, trong tối 30/4, bầu trời TP.HCM sẽ bừng sáng trong không gian lễ hội rực rỡ.
Bên cạnh đó, TP.HCM còn tổ chức chương trình nghệ thuật 3D Mapping từ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút tối 19, 26, 29 và 30/4 ở mặt tiền trụ sở Hội đồng nhân dân và UBND TP.HCM (Quận 1).
Hình thức biểu diễn là trình chiếu nghệ thuật 3D Mapping kết hợp âm nhạc, ánh sáng và nghệ thuật trình diễn với các quốc gia tham gia: Pháp, Singapore, Bỉ, Việt Nam. Sự kiện dự kiến thu hút khoảng 10.000 khán giả tham gia trực tiếp tại các địa điểm, cùng với hàng triệu người xem qua các kênh truyền hình, livestream và các nền tảng trực tuyến.
Chuỗi hoạt động “Sắc màu Thành phố Bác” kéo dài từ 19/4 đến hết tháng 5, diễn ra tại các địa điểm trung tâm như trụ sở UBND TP.HCM, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà hát Thành phố, Công viên Bến Bạch Đằng… và nhiều tuyến kênh rạch qua các quận nội thành. Người dân và du khách sẽ được thưởng thức loạt chương trình nghệ thuật đặc sắc như nhạc giao hưởng ngoài trời, ca múa nhạc dân gian, biểu diễn đờn ca tài tử và lễ hội sông nước sôi động với thuyền hoa đăng, flyboard, bay phản lực nước, dù lượn, chèo ván…
Đặc biệt, tối 30/4 còn có tiết mục dân vũ khăn rằn, biểu tượng văn hóa miền Nam, với sự tham gia của người dân và diễn viên, tạo nên không gian lễ hội gần gũi, gắn kết cộng đồng.
Hà Nội tăng tốc hồi sinh sông Tô Lịch
Trước tình trạng dòng chảy cạn kiệt, nước thải sông Tô Lịch chưa xử lý tích tụ và bốc mùi, thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh nhiều dự án quy mô để cải thiện chất lượng nước và khôi phục dòng sông.
![]() |
Công nhân nạo vét bùn thải trên sông Tô Lịch |
Một trong những nguyên nhân chính khiến sông Tô Lịch ô nhiễm trầm trọng là do dòng chảy bị ngắt quãng và suy kiệt, đặc biệt vào mùa khô. Không có dòng nước bổ cập từ thượng nguồn, con sông gần như trở thành một “kênh nước thải” với dòng chảy chậm, tích tụ chất bẩn và bốc mùi hôi thối.
Từ cuối năm 2024 đến nay, hàng loạt dự án được tập trung tăng tốc thi công trên dòng sông Tô Lịch. Một trong những dự án then chốt đang được TP. Hà Nội tăng tốc triển khai là hệ thống bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp duy trì dòng chảy ổn định quanh năm, hạn chế mùi hôi và cải thiện chất lượng nước.
Trạm bơm chính đặt tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ), có công suất 3 - 5 m3/s. Nước sẽ được dẫn qua tuyến ống D1200 dài hơn 5 km đến điểm đầu sông Tô Lịch (cống Hoàng Quốc Việt). Đồng thời, 3 đập dâng sẽ được xây tại Cống Mọc, cầu Dậu và ngã ba Tô Lịch - Kim Ngưu để giữ mực nước ổn định và tạo dòng chảy liên tục.
Tổng mức đầu tư cho hệ thống bổ cập này là 550 tỷ đồng, trích từ ngân sách Thành phố. Mục tiêu hoàn thành toàn bộ công trình trước tháng 9/2025, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.
Cùng với việc bổ sung nước sạch, việc ngăn chặn ô nhiễm đầu nguồn là điều kiện tiên quyết để hồi sinh sông Tô Lịch. Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá - công suất 270.000 m3/ngày đêm đang được xây dựng để xử lý nước thải từ các quận nội thành, bao gồm nước đổ vào sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.
Giai đoạn đầu của Nhà máy sẽ vận hành từ cuối năm 2024, trong khi hệ thống cống thu gom sẽ hoàn thiện vào giai đoạn 2025 - 2027. Khi đồng bộ, nhà máy này sẽ giúp chấm dứt tình trạng xả thải trực tiếp ra sông, nâng cao chất lượng nước đầu vào.
Đồng hành với các dự án nước sạch và xử lý nước thải, công tác nạo vét lòng sông Tô Lịch đang được triển khai khẩn trương từ đầu năm 2025. Việc này nhằm loại bỏ lớp bùn thải, rác tồn đọng và tạo độ sâu phù hợp, giúp nước lưu thông tốt hơn và hạn chế mùi hôi. Dự kiến, toàn bộ khối lượng nạo vét sẽ hoàn thành trong tháng 8/2025, trước khi hệ thống bổ cập nước đi vào vận hành chính thức.
Đề nghị dừng lập quy hoạch đô thị khi sắp xếp xã, phường
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương dừng lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch đô thị từ nay tới tháng 7 - thời điểm Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sửa đổi có hiệu lực.
![]() |
Đề nghị dừng lập quy hoạch đô thị khi sắp xếp xã, phường |
Yêu cầu trên được Bộ Xây dựng nêu trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về rà soát quy hoạch đô thị và đánh giá chất lượng đô thị trong giai đoạn sắp xếp, sáp nhập xã phường.
Theo chủ trương được Trung ương thống nhất, chính quyền địa phương tổ chức theo hai cấp, gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu).
Bộ Xây dựng cho biết, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đang được sửa đổi, bổ sung để đồng bộ với mô hình hai cấp chính quyền địa phương. Với các quy hoạch đô thị đã được duyệt, UBND cấp tỉnh tiếp tục thực hiện đến khi có quy hoạch mới thay thế. Đây vẫn là cơ sở triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng.
Với các quy hoạch đô thị chưa được duyệt, Bộ đề nghị UBND cấp tỉnh quyết định việc tiếp tục hoặc dừng lập, thẩm duyệt đến khi luật mới có hiệu lực từ ngày 1/7. Các nội dung nếu tiếp tục thực hiện phải đảm bảo kế thừa quy hoạch mới sau khi tổ chức sáp nhập xã phường.
Khi xây dựng đề án sắp xếp các phường, UBND cấp tỉnh cần lưu ý đồng bộ hạ tầng đô thị và định hướng phát triển không gian đô thị, "hạn chế tối đa xáo trộn hạ tầng, ảnh hưởng chất lượng sống của cư dân đô thị".
Trường hợp sáp nhập xã với các phường hiện hữu, Bộ Xây dựng đề nghị ưu tiên chọn khu vực được định hướng phát triển thành phường, đã đầu tư cơ bản hạ tầng đô thị.
Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân.
Theo chủ trương của Trung ương, các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động từ 1/7 sau khi nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực.
Dự kiến, cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay. Số lượng xã, phường từ hơn 10.000 sẽ rút xuống còn khoảng 5.000.
Khách bay nội địa có thể làm thủ tục bằng VNeID
Hành khách Vietnam Airlines có thể bay nội địa mà không cần xuất trình giấy tờ tùy thân, nhờ nhận diện khuôn mặt qua ứng dụng VNeID.
![]() |
Hành khách làm thủ tục không cần phải xuất trình giấy tờ khi lên tàu bay |
Trong hai ngày 16 và 17/4, Vietnam Airlines phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thử nghiệm thành công quy trình làm thủ tục bay bằng sinh trắc học tại nhà ga T1 sân bay Nội Bài và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
Đây là lần đầu tiên hành khách nội địa tại Việt Nam có thể thực hiện toàn bộ thủ tục bay từ mua vé, check-in đến qua cửa an ninh và lên máy bay chỉ với một lần chụp khuôn mặt, không cần xuất trình giấy tờ như chứng minh thư hay căn cước công dân.
Theo đại diện hãng, hệ thống đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn và an ninh hàng không, sẵn sàng áp dụng đại trà sau khi được cơ quan chức năng phê duyệt.
Tính năng "Dịch vụ hàng không" trên ứng dụng VNeID hỗ trợ người dùng có tài khoản định danh mức 2 thực hiện các bước từ mua vé đến lên máy bay mà không cần mang theo giấy tờ. Việc xác thực được thực hiện bằng nhận diện khuôn mặt, đối chiếu với dữ liệu định danh quốc gia.
Theo Vietnam Airlines, quy trình này giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục và giảm tình trạng ùn ứ tại sân bay, nhất là trong giai đoạn cao điểm. Trước đây, hành khách phải xuất trình giấy tờ để đối chiếu thủ công tại nhiều điểm trong hành trình.
Việc sử dụng sinh trắc học trong hàng không không phải mới trên thế giới, nhưng đây là lần đầu được áp dụng tại Việt Nam cho chuyến bay nội địa. Trong giai đoạn đầu, hình thức này sẽ được triển khai thí điểm tại một số chặng, trước khi mở rộng ra toàn mạng nội địa.
Quy trình mới vẫn tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn và bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo yêu cầu từ Bộ Công an và Cục Hàng không.
KBC nộp thêm gần 7.000 tỷ đồng tiền đất cho đại dự án ở Hải Phòng
KBC đã nộp thêm 6.854 tỷ, nâng tổng mức tiền sử dụng đất Dự án Khu dịch vụ và đô thị Tràng Cát, Hải Phòng lên gần 17.800 tỷ đồng.
![]() |
Phối cảnh đại dự án gần 585 ha của Kinh Bắc tại Tràng Cát, Hải Phòng |
Thông tin này được Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) vừa nêu trong bản tin cập nhật về việc triển khai Dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát và tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Dự án trên do Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị Tràng Cát - công ty con của KBC làm chủ đầu tư. Với quy mô gần 585 ha, khu đô thị này nằm tại phường Tràng Cát, quận Hải An, thuộc khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) với tổng mức đầu tư khoảng 69.046 tỷ, tương đương gần 2,7 tỷ USD. Vị trí này cũng giáp tuyến cao tốc kết nối Quảng Ninh - Hải Phòng - Hải Dương - Hà Nội.
Công ty con của Kinh Bắc đã nộp bổ sung 6.854 tỷ đồng tiền sử dụng đất của đại dự án này. Đây là số tiền mà chủ đầu tư phải nộp thêm sau khi điều chỉnh quy hoạch Dự án. Như vậy, đến nay, tổng số tiền sử dụng đất cho Dự án của KBC gần 17.800 tỷ đồng cho khoảng 2,5 triệu m2 đất nhà ở lâu dài.
Trước đó, giữa tháng 1, Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Theo đó, quy mô dân số của Dự án được tăng hơn gấp đôi, lên 90.110 người. Theo quy hoạch, khu đô thị này sẽ có hơn 25.800 sản phẩm khi hoàn thành. Trong đó, Dự án gồm 8.655 lô nhà ở thấp tầng liền kề, 3.256 lô biệt thự, 7.178 căn chung cư và hơn 5.940 nhà ở xã hội. KBC cho biết sẽ khởi công khu nhà ở xã hội 50 ha tại đây trong tháng 5.
Phương án xây cầu Cát Lái nối Đồng Nai với TP.HCM
Đường và cầu Cát Lái dài hơn 11 km, vận tốc 80 km, 8 làn xe, tổng đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, theo phương án của Sở Xây dựng Đồng Nai.
![]() |
Phà Cát Lái nối 2 địa phương |
Ngày 17/4, Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, hai địa phương đã xác định được vị trí xây cầu Cát Lái nối huyện Nhơn Trạch với TP. Thủ Đức, TP.HCM. Điểm đầu cầu nằm trên đường Nguyễn Thị Định, cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 400 m; điểm cuối kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Theo phương án đưa ra, tổng chiều dài đường và cầu khoảng 11,37 km. Trong đó, cầu hơn 3 km, thiết kế vận tốc 80 km/h, rộng 33,5 m, 8 làn xe, tĩnh không cao hơn 55 m. Cầu sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với kinh phí khoảng hơn 9.000 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước tham gia khoảng 4.427 tỷ đồng (chiếm 49%), vốn do nhà đầu tư huy động gần 4.607 tỷ đồng (chiếm 51%).
Phần giải phóng mặt bằng và xây dựng tuyến đường nối từ sau trạm thu phí cầu đến cuối tuyến dự kiến hơn 10.357 tỷ đồng, do nhà nước đầu tư. Trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng phía TP.HCM khoảng 3.611 tỷ đồng, phía Đồng Nai hơn 2.967 tỷ đồng, xây tuyến đường nối 3.779 tỷ đồng.
Cầu Cát Lái được TP.HCM đề xuất cách đây năm 2016, sau đó được Thủ tướng chấp thuận. Tuy nhiên, Dự án chưa thực hiện do hai địa phương chưa thống nhất được vị trí xây cầu, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, ảnh hưởng Covid-19. UBND Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án theo hình thức PPP, hợp đồng BOT vào năm 2019.
Ngoài phương án cầu, đơn vị tư vấn từng đưa ra phương án xây hầm dài 2,9 km, tổng vốn khoảng 24.553 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, phương án cầu được chọn vì việc xây hầm khó đảm bảo phương án tài chính của Dự án, chi phí công tác bảo trì, vận hành rất lớn, khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng.
Hà Nội phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt
Mục tiêu của đề án là khắc phục những tồn tại, bất cập của mạng lưới xe buýt hiện tại; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển mạng lưới xe buýt Thủ đô...
![]() |
Hà Nội phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt. Ảnh minh họa |
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2066/QĐ-UBND phê duyệt "Đề án đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố".
Mục tiêu của Đề án là khắc phục những tồn tại, bất cập của mạng lưới xe buýt hiện tại; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển mạng lưới xe buýt Thủ đô ngày càng hợp lý, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Đề án cũng nhằm tăng cường năng lực vận chuyển cho hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, góp phần giảm phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Theo đề án, Thành phố hiện có 154 tuyến buýt, phục vụ 30/30 quận, huyện, thị xã và 513/579 xã, phường, thị trấn. Năm 2023, sản lượng vận chuyển đạt 385,2 triệu lượt hành khách, tăng 13,2% so với năm 2022. Đặc biệt, nhiều chính sách ưu đãi cho người dân như miễn phí đi xe buýt cho người cao tuổi và hộ nghèo, đã được triển khai và nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng.
Đề án cũng nêu rõ các nguyên nhân, hạn chế và dự báo vận tải hành khách công cộng giai đoạn 2025 - 2030. Các phương án phát triển mạng lưới xe buýt sẽ được thực hiện theo hai giai đoạn: từ 2025 - 2030, tập trung phát triển các tuyến buýt sử dụng điện và năng lượng xanh; từ 2031 - 2035, phát triển theo hướng hỗn hợp phù hợp với hạ tầng giao thông đường bộ.
UBND Thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đề án, đảm bảo hiệu quả và sử dụng ngân sách nhà nước một cách hợp lý. Các sở, ban, ngành liên quan cũng được yêu cầu phối hợp chặt chẽ để đảm bảo đề án đạt được mục tiêu đề ra.