Bản tin thời sự sáng 17/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là vận hành tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất Việt Nam; giải thể cơ quan thanh tra tại 12 bộ và cấp huyện; Chính phủ thống nhất không tổ chức cơ quan điều tra VKSND Tối cao; 5 cơ quan đầu tiên được bố trí điểm di dời phục vụ quy hoạch phía Đông hồ Hoàn Kiếm…

Vận hành tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất Việt Nam

Tuyến cáp quang biển Asia Direct Cable với dung lượng tối đa 50 Tbps bắt đầu kết nối tới Việt Nam với điểm cập bờ Quy Nhơn từ tháng 4.

Sơ đồ tuyến cáp quang biển Asia Direct Cable (ADC)

Sơ đồ tuyến cáp quang biển Asia Direct Cable (ADC)

Ngày 16/4, Tổng công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) cho biết, phân đoạn cáp Asia Direct Cable (ADC) nối tới Việt Nam đã bắt đầu hoạt động. Trước đó, từ tháng 12/2024, tuyến cáp chính đã được hoàn thành và vận hành, kết nối 7 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dung lượng của ADC đoạn nối tới Việt Nam đạt 50 Tbps, trở thành tuyến cáp lớn nhất và bằng 125% tổng dung lượng kết nối quốc tế của Việt Nam trước đó.

Trước tháng 4, Việt Nam kết nối Internet quốc tế qua 5 tuyến cáp quang biển gồm IA, AAE-1, APG, AGG, SMW-3. Theo báo cáo của Cục Viễn thông - Bộ Khoa học và Công nghệ, năm ngoái, dung lượng cáp quang biển hoạt động khoảng 38 Tbps.

ADC có chiều dài 9.800 km, kết nối Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Singapore, Nhật Bản và đặc khu Hong Kong. Tuyến có cấu hình 8 cặp sợi (8FP), sử dụng công nghệ ghép bước sóng mật độ cao với tổng dung lượng ban đầu trên 160 Tbps.

So với các tuyến cáp quang biển hiện có của Việt Nam, điểm khác biệt của ADC là kết nối trực tiếp tới cả ba trung tâm Internet của khu vực châu Á gồm Singapore, Hong Kong và Nhật Bản.

Theo đơn vị đầu tư, tổng vốn toàn tuyến ADC là 290 triệu USD, với sự hợp tác của 9 tập đoàn viễn thông gồm Viettel (Việt Nam), Softbank (Nhật Bản), Tata (Ấn Độ), Singtel (Singapore) China Telecommunications Corporation, China Telecom Global, China Unicom (Trung Quốc), National Telecom (Thái Lan) và PLDT (Philippines). Viettel sở hữu toàn bộ nhánh cáp kết nối Việt Nam và trạm cập bờ tại Quy Nhơn, cùng một phần của trục chính đi quốc tế. Viettel Networks là đơn vị vận hành khai thác.

Đại diện Viettel cho biết, ban đầu sẽ đưa vào sử dụng một phần dung lượng tuyến ADC để tăng năng lực kết nối quốc tế, đáp ứng nhu cầu về dữ liệu và cải thiện trải nghiệm khách hàng khi sử dụng dịch vụ Internet. Tuyến cáp mới cũng giúp nâng mức dự phòng kết nối quốc tế, đảm bảo nhu cầu của Việt Nam khi có sự cố đứt cáp quang biển.

Những tháng qua, Việt Nam liên tục nâng cấp hạ tầng Internet nói riêng, hạ tầng số nói chung. Mục tiêu đến 2030, Việt Nam sẽ có 15 tuyến cáp quang biển. Ngoài ADC, một tuyến khác là SJC-2 dự kiến hoạt động thời gian tới.

Giải thể cơ quan thanh tra tại 12 bộ và cấp huyện

Theo quyết định của Thủ tướng ngày 16/4, thanh tra tại 12 bộ cùng cấp huyện và 5 đơn vị cấp vụ của Thanh tra Chính phủ sẽ kết thúc hoạt động.

Trụ sở Thanh tra Chính phủ

Trụ sở Thanh tra Chính phủ

Cùng với đó, Trường Cán bộ thanh tra sẽ sáp nhập với Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra. Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ tiếp nhận, điều chuyển công chức thanh tra từ 12 bộ về các đơn vị phù hợp, sắp xếp nhân sự theo mô hình mới, bàn giao hồ sơ liên quan và thực hiện các chế độ chính sách cho công chức.

Thanh tra cấp tỉnh, thành phố cũng sẽ được sắp xếp lại trên cơ sở giải thể thanh tra cấp huyện. Thanh tra Chính phủ được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức mới, đồng thời tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi theo quy trình rút gọn.

Cuối tháng 3, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan thanh tra theo hai cấp trung ương và địa phương. Theo đó ở Trung ương, thanh tra các bộ sẽ kết thúc hoạt động để sắp xếp, tổ chức lại thành các cục thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo lĩnh vực thuộc Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ duy trì tổ chức và hoạt động.

Cơ quan thanh tra Cục Bổ trợ Tư pháp, Kho bạc Nhà nước, Cục Dự trữ Nhà nước, Cục Thống kê sẽ kết thúc hoạt động; không thành lập cơ quan thanh tra Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên. Các cục này thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các cơ quan thanh tra được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sẽ không tổ chức thanh tra chuyên ngành mà thực hiện kiểm tra chuyên ngành và chức năng khác theo quy định.

Ở địa phương, thanh tra huyện và sở sẽ kết thúc hoạt động, tổ chức lại thành các tổ chức thuộc thanh tra tỉnh.

Chính phủ thống nhất không tổ chức cơ quan điều tra VKSND tối cao

Chính phủ thống nhất không tổ chức cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, như đề xuất tại dự thảo luật.

Tòa nhà trụ sở VKSND Tối cao 29 tầng trên đường Phạm Văn Bạch, Hà Nội

Tòa nhà trụ sở VKSND Tối cao 29 tầng trên đường Phạm Văn Bạch, Hà Nội

Tại Nghị quyết Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, Chính phủ đã cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự sửa đổi do Bộ Công an soạn thảo.

Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chịu trách nhiệm rà soát kỹ các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và Trung ương liên quan đến Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

"Việc không tổ chức Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không trái với các nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương. Chính phủ thống nhất với việc không tổ chức Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo đúng quy định của Hiến pháp", nghị quyết nêu và lưu ý thêm, trường hợp Quốc hội có ý kiến khác thì Đảng ủy Chính phủ thống nhất với Đảng ủy Quốc hội báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.

Bộ Công an được giao tiếp thu, hoàn thiện Dự án Luật để trình Quốc hội.

Tại dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự sửa đổi, Bộ Công an đề xuất bỏ Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong hệ thống cơ quan điều tra. Hai cơ quan điều tra trong công an và quân đội giữ nguyên.

Trước ý kiến đóng góp cho dự thảo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an giải thích việc phân định rõ chức năng của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án là để không chồng lấn về thẩm quyền.

5 cơ quan đầu tiên được bố trí điểm di dời phục vụ quy hoạch phía Đông hồ Hoàn Kiếm

Sở Xây dựng Hà Nội vừa ký Quyết định số 3725/SXD-QLN bố trí các địa điểm cho 5 đơn vị di dời phục vụ phương án quy hoạch, cải tạo không gian khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm.

5 cơ quan đầu tiên được bố trí điểm di dời phục vụ quy hoạch phía Đông hồ Hoàn Kiếm

5 cơ quan đầu tiên được bố trí điểm di dời phục vụ quy hoạch phía Đông hồ Hoàn Kiếm

Các đơn vị được bố trí tại các địa chỉ: Sở Văn hóa và Thể thao: Bố trí tạm tại tầng 25; 26; 27 Khu liên cơ quan TP. Hà Nội, số 258 Võ Chí Công, phường Xuân La, quận Tây Hồ.

Viện Văn học-Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam: Bố trí tại số 12 Nguyễn Chế Nghĩa, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm.

Trụ sở Tiếp công dân Thành phố: Bố trí tại số 102 Hai Bà Trưng, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm.

Chi cục Dân số, Trẻ em và phòng chống tệ nạn xã hội: Bố trí tại số 144 Trần Phú, phường Mộ Lao, quận Hà Đông.

Công ty Điện lực Hoàn Kiếm: Bố trí tại số 5-7 phố Hàng Gà, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm.

Sở Xây dựng đề nghị 5 đơn vị khẩn trương xây dựng phương án di dời cụ thể chi tiết gồm: kế hoạch, kinh phí, tiến độ thực hiện, phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định...

100% công chức cấp huyện chuyển về xã sau sáp nhập

Toàn bộ biên chế cấp huyện hiện có được chuyển về cấp xã, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của huyện sẽ làm nòng cốt tại đơn vị hành chính mới.

Công chức làm việc tại bộ phận một cửa, Trung tâm Hành chính TP. Đà Nẵng

Công chức làm việc tại bộ phận một cửa, Trung tâm Hành chính TP. Đà Nẵng

Đây là nội dung tại văn bản định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, được công bố sáng 16/4. Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính quy định chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có về cấp xã, ngoài ra có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã.

Ban Chỉ đạo yêu cầu trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức của cấp huyện, cấp xã hiện có. Cơ quan, đơn vị rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời hạn 5 năm. Dự kiến, biên chế bình quân của mỗi cấp xã khoảng 32 (không bao gồm khối đảng, đoàn thể).

Về biên chế viên chức đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ quan thực hiện theo hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Địa phương có trách nhiệm bố trí chỉ tiêu biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách trong tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao. Các xã, phường kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay từ ngày 1/8.

Về chính quyền địa phương cấp xã (gồm xã, phường, đặc khu), Ban Chỉ đạo cho biết, định hướng cơ cấu gồm HĐND và UBND.

Ban Chỉ đạo giao UBND cấp tỉnh quyết định số lượng cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cho phù hợp nhưng không vượt quá 4 phòng và tương đương. Trường hợp địa phương tổ chức số lượng cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp xã dưới 3 đầu mối thì có thể bố trí tăng một phó chủ tịch UBND để lãnh đạo, chỉ đạo.

Trường hợp không tổ chức các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp xã, giao UBND cấp tỉnh quyết định tăng biên chế so với số lượng biên chế cán bộ, công chức cấp xã hiện nay để thực hiện các nhiệm vụ mới chuyển giao từ cấp huyện.

Liên tiếp cháy rừng ở vùng núi phía Bắc

Miền Bắc xảy ra 72 vụ cháy rừng trong 3 ngày qua, cơ quan kiểm lâm tiếp tục cảnh báo nguy cơ cháy ở mức cao do thời tiết hanh khô.

Cháy rừng ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc, tối 15/4

Cháy rừng ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc, tối 15/4

Theo hệ thống giám sát bằng vệ tinh của Cục Lâm nghiệp và Kiểm Lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), 3 ngày qua, 25 tỉnh miền Bắc xuất hiện 72 điểm cháy rừng. Nhiều nhất là Lạng Sơn 18 điểm; Tuyên Quang 8; Hà Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên mỗi nơi 6 điểm.

Tối 15/4, lửa bùng phát ở khu rừng sản xuất thuộc xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Tỉnh huy động cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cùng người dân khoanh vùng dập lửa. Thống kê ban đầu khoảng 6 ha rừng bị thiệt hại.

Tại Lạng Sơn, chiều 14/4, lửa bùng phát hai điểm ở khu 3, thị trấn Na Sầm và thôn Thanh Hảo, xã Bắc Hùng, huyện Văn Lăng. Địa phương đã huy động công an, quân đội cùng lực lượng tại chỗ dập lửa. Trong đêm, đám cháy được khống chế, tổng thiệt hại hơn 1,3 ha rừng.

Tại Bắc Giang, ngày 12 - 13/4, huyện Sơn Động xảy ra 7 vụ cháy rừng tại các xã An Lạc, Yên Định, Phúc Sơn, Giáo Liêm, Vân Sơn, Hữu Sản gây thiệt hại hàng chục ha rừng trồng và một phần rừng tự nhiên. Huyện Sơn Động đã dừng tất cả hoạt động trải nghiệm, dã ngoại tự phát trong rừng để đảm bảo an toàn.

Tỉnh Hà Giang đã yêu cầu các huyện, đơn vị quản lý rừng thông báo đến người dân không đốt nương, rẫy vào ngày nguy cơ cháy rừng ở mức 4 - 5. Những ngày khác trước khi đốt phải thông báo trưởng thôn, bản. Hà Giang cũng yêu cầu người dân khi đốt nương rẫy phải cắt cử người canh gác, có dụng cụ dập lửa cháy lan vào rừng, sau khi đốt phải dập tắt hết lửa.

Theo Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, cháy rừng liên tiếp gần đây chủ yếu do thời tiết hanh khô kéo dài, đặc biệt tại miền núi phía Bắc. Thời điểm này người dân cũng hay phát dọn thực bì, đốt nương rẫy để chuẩn bị cho vụ mùa mới. Hôm nay, Cục cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp 4 trên thang 5 cấp đối với tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang.

Trước đó, sau vụ cháy làm hơn 40 ha rừng bị thiệt hại ở Quảng Ninh ngày 12 - 13/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; rà soát, xác định các khu vực trọng điểm phân công lực lượng ứng trực 24/24h; kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao.

Dịch vụ Mobile Money tiếp tục thí điểm đến cuối 2025

Chính phủ gia hạn thí điểm dịch vụ Mobile Money - dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ - đến ngày 31/12.

Một người dùng dịch vụ thanh toán Mobile Money

Một người dùng dịch vụ thanh toán Mobile Money

Quyết định trên được phê duyệt theo Nghị quyết 87 do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký ban hành ngày 15/4.

Mobile Money do Bộ Thông tin và Truyền thông, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ, khởi xướng nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ người không có tài khoản ngân hàng, người dân tại vùng nông thôn, miền núi và hải đảo.

Khác với ví điện tử, Mobile Money cung cấp cho người dùng một tài khoản gắn liền với thuê bao di động. Họ có thể sử dụng tài khoản này để chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, hàng hóa. Dịch vụ được Ngân hàng Nhà nước cấp phép triển khai thí điểm từ cuối 2021, trong vòng 2 năm, sau đó được gia hạn đến hết 2024.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết quý III/2024, tổng số người dùng Mobile Money lũy kế đạt 9,6 triệu. 72% thuê bao sống ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, tương đương 6,9 triệu người.

Cả nước hiện có 275.960 đơn vị chấp nhận thanh toán Mobile Money, trong đó có các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục, viễn thông, hành chính công. Tổng lượng giao dịch (nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán) là hơn 148 triệu lượt, tổng giá trị giao dịch hơn 5.397 tỷ đồng.

Hồi tháng 5/2024, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp các bộ, cơ quan, đơn vị liên quan, nghiên cứu, đề xuất về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về dịch vụ Mobile Money.

TP.HCM tăng chuyến metro, xe buýt phục vụ người dân lễ 30/4

Metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ kéo dài thời gian hoạt động kết hợp với tăng cường xe buýt đến ga T3 Tân Sơn Nhất nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân dịp lễ.

Khách đi metro Bến Thành - Suối Tiên

Khách đi metro Bến Thành - Suối Tiên

Theo kế hoạch của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông công chánh TP.HCM), phương án điều chỉnh lịch hoạt động của tàu điện Bến Thành - Suối Tiên và xe buýt ở Thành phố sẽ áp dụng từ ngày 30/4 đến hết 4/5.

Cụ thể, hôm 30/4 tuyến metro sẽ chạy từ 4h30 đến 23h, thay vì 5h đến 22h như lịch trình ngày thường. Số tuyến tàu cũng được tăng lên 240 chuyến trong ngày để chở khách.

Đối với xe buýt, khu vực Tân Sơn Nhất sẽ tăng cường hai tuyến 109 (từ Quận 1) và 72-1 (liên tỉnh) đến ga T3 - công trình chuẩn bị đưa vào khai thác. Riêng các tuyến xe buýt khác kết nối tới sân bay vẫn tiếp tục hoạt động như bình thường.

Cùng với tăng cường giao thông công cộng đến một số đầu mối quan trọng, trong dịp lễ mạng lưới xe buýt ở TP.HCM sẽ giảm hơn 2.000 chuyến ở các tuyến khác. Đây phần lớn là các xe lộ trình đến trường học, khu công nghiệp... khi nhu cầu đi lại giảm mạnh dịp lễ.

Để hạn chế gây xáo trộn, Trung tâm quản lý giao thông công cộng cùng các đơn vị vận tải theo dõi tình hình các đầu bến, lộ trình hoạt động nhằm điều phối, bổ sung xe phù hợp.

TP.HCM hiện có 138 tuyến xe buýt với hơn 2.200 đầu xe, bình quân mỗi ngày khai thác gần 13.000 chuyến, phục vụ hơn 350.000 lượt khách. Cuối năm 2024, metro Bến Thành - Suối Tiên, tuyến tàu điện đầu tiên ở TP.HCM vận hành, nhu cầu đi lại trên loại hình mới này rất cao.

Tin cùng chuyên mục