Nan giải vốn đầu tư hạ tầng giao thông

(BĐT) - Nhu cầu đầu tư vào hạ tầng giao thông ngày càng lớn, nguồn vốn từ ngân sách rất khó khăn, trong khi các doanh nghiệp trong nước lại rất non yếu về nguồn lực tài chính và kinh nghiệm nên việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thời gian tới hết sức gian nan.
Trong năm 2017, Bộ GTVT sẽ tăng cường công tác quản lý đấu thầu, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ công trình. Ảnh: Nhã Chi
Trong năm 2017, Bộ GTVT sẽ tăng cường công tác quản lý đấu thầu, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ công trình. Ảnh: Nhã Chi

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nhận định như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 ngành giao thông vận tải (GTVT) diễn ra tại Hà Nội ngày 10/1.  

Vẫn trông chờ… vào ngân sách

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, một trong những định hướng ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông thời gian tới là tập trung chuẩn bị đầu tư 3 công trình lớn: Dự án Đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo đó, trong năm 2017, Bộ sẽ khẩn trương chuẩn bị để sớm khởi công Dự án Đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thường xuyên cập nhật, báo cáo Chính phủ, Quốc hội về tình hình, tiến độ và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ tập trung nghiên cứu, sớm hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam và Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trong điều kiện vốn đầu tư hạn hẹp, nhu cầu đầu tư vào hạ tầng giao thông ngày càng lớn thì việc quản lý, giám sát dự án đầu tư phải hết sức chặt chẽ. Toàn ngành GTVT cần rà soát lại các dự án đầu tư; tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án để nâng cao hiệu quả đầu tư, đảm bảo được lợi ích của Nhà nước và người dân khi đưa các công trình vào sử dụng. Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, toàn ngành GTVT cần tranh thủ thời cơ, cơ hội, cân đối các nguồn lực đầu tư để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho các dự án ngành giao thông đang hết sức khó khăn, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng một phần nhỏ, cần phải huy động các nguồn lực khác của xã hội tham gia. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam thì lại rất hạn chế về năng lực tài chính, kinh nghiệm, việc xã hội hóa đầu tư chủ yếu trông chờ vào hệ thống ngân hàng. Vì thế, nếu ngân hàng không vào cuộc thì việc đầu tư vào hạ tầng ngành giao thông sẽ khó khăn chồng khó khăn.

Trả lời phỏng vấn Báo Đấu thầu, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng đường sắt sẽ rất khó khăn do nguồn vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn thấp, chậm hơn các dự án hạ tầng khác. Vì thế, các dự án hạ tầng trọng điểm của ngành đường sắt thời gian tới vẫn phải trông chờ rất nhiều vào nguồn ngân sách nhà nước.

Giảm thiểu thất thoát vô hình

Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng; chấn chỉnh, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, kiên quyết không để các nhà thầu năng lực yếu tham gia dự án của Ngành
Một trong những hạn chế, yếu kém của ngành GTVT năm 2016 được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra là chất lượng không ít dự án, quy định pháp luật về GTVT chưa cao, thậm chí chưa phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Trong quản lý nhà nước ngành GTVT vẫn còn tình trạng chỗ thì bị quản lý chồng chéo, chỗ thì bị trống, không có ai quản lý. Thực tế đã cho thấy, chiến lược, quy hoạch hạ tầng giao thông thời gian qua còn có nhiều bất cập. Điển hình là quy hoạch hàng không. Tình trạng nhiều cảng hàng không vừa xây xong đã quá tải, lạc hậu, điều này cho thấy khâu khảo sát, dự báo khi làm quy hoạch không chính xác. Để thực hiện tái cấu trúc đầu tư, ngành GTVT phải giảm thiểu được những thất thoát vô hình do công trình đưa vào sử dụng không đạt được mục tiêu đầu tư. Do đó, cần phải quy hoạch lại một cách hệ thống, bài bản các công trình hạ tầng giao thông để tránh đầu tư một cách tự phát, làm theo phong trào và không bền vững.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cũng cho biết, một số dự án của ngành GTVT năm 2016 vẫn có những khiếm khuyết về chất lượng như lún đoạn đường đầu cầu, hư hỏng lớp bê tông nhựa, hằn lún vệt bánh xe… Trong năm 2016, do ý thức chưa cao của một số nhà thầu, thiếu sự kiểm tra, kiểm soát của tư vấn giám sát, ban quản lý dự án nên đã xảy ra một số tai nạn lao động đáng tiếc trên công trường Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến Cát Linh - Hà Đông), Dự án Đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng - hợp phần A…

Ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong năm 2017, Bộ GTVT sẽ tăng cường công tác quản lý đấu thầu, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình; nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan. Bộ GTVT cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng; chấn chỉnh, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát; kiên quyết không để các nhà thầu có năng lực yếu kém tham gia các dự án của ngành giao thông.