Nâng cấp xong 115 km QL6 qua Hoà Bình, Sơn La

115 km trên tuyến QL6 qua Hòa Bình, Sơn La vừa được bảo trì, nâng cấp đảm bảo êm thuận, an toàn.
Tuyến QL6 đoạn Km78+300 - Km193+000 trên địa phận hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La thuộc Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam được thông xe kỹ thuật ngày 7/5
Tuyến QL6 đoạn Km78+300 - Km193+000 trên địa phận hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La thuộc Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam được thông xe kỹ thuật ngày 7/5

Sáng 7/5, tại Km 191+200, QL6, ngã ba Pa Háng, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Bộ GTVT đã tổ chức Lễ thông xe 115 km trên tuyến QL6 đoạn Km78+300 - Km193+000 qua Hòa Bình và Sơn La thuộc Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới. Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa; Bà Victoria KwaKwa, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng thế giới.

Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 3068/QĐ-BGTVT ngày 4/10/2013 với tổng mức đầu tư là 301 triệu USD, tương đương 6.305 tỷ đồng. Trong đó: vốn vay Ngân hàng thế giới là 251 triệu USD và vốn đối ứng là 50 triệu USD. Cơ quan chủ quản dự án là Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm Chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án 3 là đơn vị trực tiếp quản lý dự án.

Mục tiêu của Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam là thiết lập cơ sở để bảo trì, nâng cấp và quản lý tài sản mạng lưới đường bộ khoa học, hiệu quả; đáp ứng nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế xã hội khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Trước mắt nâng cấp, bảo trì một số tuyến đường có tính chất liên kết mạng; kết hợp các loại hình hợp đồng xây dựng mới trong quản lý bảo trì đường bộ. Cùng với đó, hỗ trợ các công cụ, phương pháp lưu trữ và phân tích tình trạng mạng lưới đường bộ để đánh giá, xác định nhu cầu, lập kế hoạch quản lý bảo trì hiệu quả, bền vững.

Tuyến QL6 đoạn Km78+300-Km193+000 là một trong 6 tuyến đường được đầu tư xây dựng trong Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới cùng với QL2, QL48, QL38, QL38B và QL39. Đây cũng là tuyến đường được hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng đầu tiên của Dự án.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa và bà Victoria KwaKwa, đại diện Ngân hàng Thế giới trao đổi về dự án.

Phát biểu tại lễ thông xe, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ tích cực của Bộ GTVT cùng chính quyền hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La nên các nhà thầu đã tăng cường độ thi công nhanh nhất, chất lượng nhất để kịp thông xe chào mừng ngày giải phóng Điện Biên, ngày sinh nhật Bác và ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Quốc hội và chính phủ Việt Nam đánh giá cao sự cố gắng đó của Bộ GTVT, đánh giá cao sự giúp đỡ, tạo điều kiện, động viên kịp thời của ngân hàng thế giới đối với dự án.

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La tiếp tục khai thác phát huy có hiệu quả tuyến đường đã được nâng cấp, coi đây là nội dung quan trọng trong việc sử dung có hiệu quả nguồn vốn vay trên địa bàn, đồng thời thực hiện chỉ đạo nghiêm túc của Chính phủ, Bộ GTVT về quản lý bảo dưỡng, bảo trì đoạn đường góp phần phát triển kinh tế xã hội của Hòa Bình, Sơn La và các tỉnh Tây Bắc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị Ngân hàng thế giới tiếp tục giúp đỡ ngành GTVT triển khai các dự án nâng cấp, bảo trì đường bộ Việt Nam, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chiến lược phát triển những vùng nghèo như Tây Bắc.

Dự án bảo trì tuyến QL6 đoạn Km78+300-Km193+000 có tổng chiều dài khoảng 115km và tổng giá trị đầu tư gần 600 tỷ đồng. Dự án đi qua địa bàn hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La, bao gồm 06 hợp đồng xây dựng được triển khai thi công từ tháng 5/2015.

Sau khi hoàn thành cải tạo, nâng cấp đoạn Km78+300 - Km193+000 trên địa phận hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La sẽ rút ngắn thời gian lưu thông từ Hòa Bình đi Sơn La và ngược lại; nâng cao năng lực lưu thông, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, bảo đảm an toàn giao thông; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh của hai tỉnh Hòa Bình, Sơn La nói riêng và các tỉnh Tây Bắc, Thủ đô Hà Nội và cả nước nói chung.

Dự án giữ nguyên quy mô đường hiện tại, sửa chữa, tăng cường mặt đường đảm bảo cường độ thiết kế yêu cầu. Tim tuyến trùng hoàn toàn tim tuyến hiện hữu; thiết kế cao độ đảm bảo chiều dày tăng cường áo đường tại vị trí các cầu vuốt nối đến sát khe co giãn. Chiều rộng nền, mặt đường giữ nguyên như quy mô hiện hữu; chiều rộng lề tối thiểu B = 0,5m; độ dốc ngang mặt đường mặt = 2%. Sửa chữa, thay thế, bổ sung làm mới hệ thống thoát nước; hệ thống ATGT như hộ lan, cọc tiêu, biển báo đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ.