Bộ Quốc phòng sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty 36 từ 40% xuống chỉ còn hơn 17,2%. Ảnh: Đức Thanh |
Dư luận đang băn khoăn liệu “cú” tăng vốn mạnh này của doanh nghiệp (DN) có thể xử lý được những lùm xùm tài chính trong thời gian qua?
Kiểm soát chi phí thi công yếu kém
Theo kế hoạch, cổ đông lớn Bộ Quốc phòng sẽ chuyển nhượng toàn bộ 17,2 triệu quyền mua, tương ứng 22,8 triệu cổ phiếu phát hành theo hình thức đấu giá công khai với giá khởi điểm là 360 đồng/quyền mua. Trong trường hợp tăng vốn thành công, Bộ Quốc phòng sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại TCT 36 từ 40% xuống chỉ còn hơn 17,2%.
Được thành lập từ năm 1996, TCT 36 vừa làm nhà thầu trong lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp…, vừa làm chủ đầu tư các dự án BOT, dự án bất động sản. Đặc biệt, TCT 36 là DN đầu tiên trực thuộc Bộ Quốc phòng chuyển đổi mô hình hoạt động sang Công ty cổ phần từ 1/7/2016, với vốn điều lệ 430 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý là hoạt động kiểm soát chi phí thi công xây dựng sau khi trúng thầu các công trình của TCT 36 khá yếu kém. Nhiều vấn đề tài chính đã bộc lộ trong quá trình cổ phần hóa DN. Cụ thể, sai phạm của Nguyễn Minh Quang (Đội trưởng Đội 3 chỉ huy thi công), Nguyễn Trung Hiếu (Đội trưởng Đội 2 chỉ huy thi công) trong việc điều hành kiểm soát thi công đã khiến cho TCT 36 phát sinh thêm 46,9 tỷ đồng. Về vấn đề này, TCT 36 đã đề nghị Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng xử lý sai phạm song vẫn chưa thể có kết quả cuối cùng.
Tiếp đến là những tồn tại của các khoản công nợ các chủ đầu tư, cá nhân không có khả năng thu hồi do Công ty Xây dựng công trình 56 cũ chuyển sang và khoản chi phí khoảng 59,7 tỷ đồng liên quan đến quản lý, lãi vay đang được theo dõi trên khoản mục chi phí trả trước, chưa được ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Dự án Nhà ở tái định cư và văn phòng cho thuê tại B6 Giảng Võ, Ba Đình đang bị đọng vốn, chậm tiến độ. Theo thuyết minh tại báo cáo tài chính quý IV/2016, sau 3 năm triển khai, TCT 36 đã chuyển nhượng toàn bộ Dự án cho đối tác là Công ty Mefrimex vào năm 2014, song do gặp khó khăn nên Mefrimex không thể thanh toán được tiền chuyển nhượng. Vì vậy, TCT 36 đã phải nhận lại Dự án để tiếp tục đầu tư. Tuy nhiên, vào thời điểm này, tính khả thi của Dự án là không chắc chắn.
Cổ đông lớn sẽ ra tay thâu tóm?
Đáng chú ý trong tổng tài sản tại thời điểm 31/3/2017 là 6.563 tỷ đồng, thì nợ phải trả của TCT chiếm gần 93%, tương ứng 6.099 tỷ đồng. Trong đó, tập trung chủ yếu vào nợ ngắn hạn (chiếm 75% nợ phải trả) và 3 khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là: phải trả người bán ngắn hạn (1.199 tỷ đồng, chiếm 26,17% nợ ngắn hạn), người mua trả tiền trước (2.012 tỷ đồng, chiếm 43,92% nợ ngắn hạn), vay ngân hàng ngắn hạn (1.038 tỷ đồng, chiếm 22,65% nợ ngắn hạn). Ngoài những khoản chiếm dụng vốn từ phía nhà cung cấp, ứng trước của người mua và huy động của ngân hàng thì TCT 36 đã phải sử dụng hình thức vay vốn của 23 cá nhân, khoảng 36,5 tỷ đồng trong vòng 36 tháng (lãi suất 6%/năm).
Để giảm áp lực vay nợ ngân hàng, gia tăng năng lực tài chính và xử lý các vấn đề tài chính còn tồn đọng thì tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành CP cho cổ đông hiện hữu dường như là phương án cứu cánh hiện nay. Cũng theo phương án này, Bộ Quốc phòng sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 20% nếu phát hành thành công qua việc chuyển nhượng toàn bộ quyền mua của đợt phát hành thêm. Mới đây nhất, TCT 36 đã chốt ngày giao dịch không hưởng quyền và đăng ký cuối cùng lần lượt là 14 và 15/6/2017 để Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) chốt danh sách cổ đông hưởng quyền mua CP giá 10.000 đồng theo tỷ lệ 1:1,3256.
Với cơ cấu cổ đông cô đặc, ngoài Bộ Quốc phòng sở hữu 40% vốn điều lệ thì 3 cổ đông lớn là Công ty Trường Lộc (32,91%); Công ty CP Vận tải và Thương mại Anh Quân (9,3%); Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (9,87%) sở hữu 42,09% vốn điều lệ tại TCT 36.
Kịch bản một trong 3 cổ đông lớn sẽ ôm trọn lô quyền mua hoặc một phần quyền mua phát hành thêm của Bộ Quốc phòng là điều dễ nhận thấy nhất.