Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp cần thay đổi theo hướng coi trọng thị trường trong nước với tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Tường Lâm |
Cơ hội tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp
Theo một khảo sát mới công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù đại dịch Covid-19 tác động rất tiêu cực đến DN với 87,2% DN cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”, nhưng cũng có 11% DN cho biết không bị ảnh hưởng gì và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economica Việt Nam nhận định, những số liệu này cho thấy 2% DN nhìn thấy cơ hội rất lớn từ thị trường, nếu khảo sát đầy đủ hơn vào một số ngành cụ thể, con số này còn có thể lớn hơn. Bên cạnh đó, 11% DN không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cũng cho thấy họ có sự chuẩn bị rất tốt để ứng phó trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nếu DN có sự chuẩn bị, có biện pháp quản trị rủi ro, phòng ngừa, đổi hướng mô hình kinh doanh, thị trường… thì sẽ có thể tận dụng tốt cơ hội trong khó khăn.
Ông Bình cho rằng, dịch Covid-19 trong trung, dài hạn sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến cấu trúc của khu vực DN. Những DN không còn phù hợp với xu thế phát triển, không thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, không có sự điều chỉnh thì chắc chắn bị rút lui khỏi thị trường, thay vào đó là khu vực DN mới năng động hơn, có sức cạnh tranh cao hơn. Ngoài ra, dù kinh tế tăng trưởng chưa được 3% trong năm 2020, nhưng một số ngành kinh tế số vẫn đạt mức tăng 30 - 35%. Điều này cho thấy, trong tổng thể nền kinh tế vẫn có một số khu vực tăng trưởng rất mạnh mẽ, tạo ra cấu trúc mới của nền kinh tế trong tương lai.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, về số lượng DN, Việt Nam hiện không thua kém các quốc gia trong khu vực, nhưng phải nâng cao chất lượng của DN. Trong đó, nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của DN cũng chính là tạo ra một năng lực cạnh tranh cốt lõi trong bối cảnh dịch bệnh.
Khuyến nghị những giải pháp phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch VCCI cho rằng, chiến lược kinh doanh của DN cần thay đổi theo hướng coi trọng thị trường trong nước, bởi thị trường này đủ lớn với tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh mẽ. Cũng cần hình thành các chuỗi cung ứng của DN Việt, không phải chỉ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và trong việc tham gia chuỗi toàn cầu, phải đa dạng hóa thị trường cả đầu vào, đầu ra để không quá lệ thuộc vào 1 thị trường, tham gia vào các phân khúc cao hơn thay vì chỉ gia công...
Cần thêm những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước
Về ngắn hạn, trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị, có thể cần thêm những can thiệp về chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi nhu cầu của khu vực tư nhân. Chính phủ hiện đang thảo luận đề xuất của Bộ Tài chính về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đợt hai. Tổng quy mô của gói hỗ trợ này ước tính khoảng 115 nghìn tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD). Theo WB, nếu được thông qua và thực hiện tốt, chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp DN và hộ gia đình duy trì hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch đang gặp nhiều khó khăn.
Về trung, dài hạn, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, hướng vào công nghiệp hỗ trợ là hướng đi rất quan trọng. Chính sách của Nhà nước trong thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phải là định hướng quan trọng bậc nhất trong chính sách công nghiệp của Việt Nam thời gian tới và cần thiết ban hành luật về công nghiệp hỗ trợ. Từ đó, vừa nâng cao giá trị gia tăng của Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, vừa thúc đẩy hỗ trợ cả DN nhỏ và DN đầu đàn trong nước.
Ông Lê Duy Bình cũng chia sẻ, đại dịch cho thấy chúng ta có thể thực hiện được những chính sách mà trước đây tưởng chừng không thể. Những chính sách để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2020 là một ví dụ, khi mà nhiều năm trước đó trong bối cảnh kinh tế thuận lợi hơn chưa làm được. Chính phủ hoàn toàn có thể thực hiện được chính sách tốt mang lại lợi ích trực tiếp cho nền kinh tế nếu có cách thức thực hiện tốt. Bài học kinh nghiệm từ những chính sách hỗ trợ đã ban hành trong năm 2020 cũng hàm ý rằng, các chính sách được thiết kế phù hợp hơn với quy luật hoạt động của thị trường sẽ phát huy hiệu quả hơn.