Hầu hết các dự án cấp điện nông thôn không đảm bảo tính khả thi về kinh tế, tài chính khiến quá trình đầu tư cấp điện nông thôn còn nhiều hạn chế. Ảnh: Trung Yên |
Vấn đề này được bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) - cơ quan điều phối Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) - đặt ra khi trao đổi với báo chí bên lề Tuần lễ Năng lượng bền vững Việt Nam (21 - 26/8/2018) tại Hà Nội.
Bà đánh giá như thế nào về tình hình “phủ sóng” lưới điện quốc gia hiện nay?
Theo Chương trình mục tiêu điện khí hóa nông thôn (2013 - 2020), phấn đấu đến năm 2020, hầu hết số hộ dân nông thôn có điện. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải đầu tư cấp điện cho các xã, thôn bản chưa có điện bằng lưới điện quốc gia; đầu tư cấp điện cho các trạm bơm tưới quy mô vừa và nhỏ từ lưới điện quốc gia; đầu tư cấp điện cho các đảo từ lưới điện quốc gia; đầu tư cấp điện từ các nguồn ngoài lưới điện quốc gia. Nhu cầu vốn đầu tư của cả giai đoạn là trên 36,4 nghìn tỷ đồng, chủ yếu dựa vào ngân sách trung ương (85%).
Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều khó khăn về nguồn lực. Ngân sách trung ương ngày càng hạn hẹp. Các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không còn đảm bảo tính ưu đãi cần thiết, do Việt Nam không còn nằm trong đối tượng được hưởng ưu đãi của nhà tài trợ.
Khác với khu vực thành thị, nhu cầu tiêu thụ điện tại các vùng nông thôn là rất ít, thậm chí có hộ gia đình chi phí sử dụng điện chỉ 30.000 - 50.000 đồng/tháng. Doanh thu bán điện thấp, trong khi chi phí vốn đầu tư lại quá lớn, gây áp lực lên nền kinh tế. Do đó, hầu hết các dự án cấp điện nông thôn không đảm bảo tính khả thi về kinh tế, tài chính khiến quá trình đầu tư cấp điện nông thôn còn nhiều hạn chế.
Các xã chưa có điện hiện nay chủ yếu là các xã đảo, các xã vùng núi cao bị cô lập về địa hình. Số hộ dân chưa có điện chủ yếu sống rải rác ở các thôn, bản vùng sâu, nằm quá xa lưới điện quốc gia. Do đó, cần phải có các giải pháp đầu tư cấp điện hiệu quả, tiết kiệm năng lượng đối với khu vực này, thay vì cố gắng làm giống như khu vực thành thị.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về huy động nguồn lực đầu tư lưới điện hạ thế, các giải pháp đầu tư phát triển NLTT tại chỗ có tính khả thi cao, hiệu quả hơn vì không đòi hỏi vốn đầu tư quá lớn thông qua hệ thống đường dây truyền tải. Điều này vừa giúp hoàn thành mục tiêu an sinh xã hội, điện khí hóa nông thôn, vừa phát triển các giải pháp công nghệ hiệu quả, chi phí thấp, giúp người dân tự chủ trong việc lựa chọn. Nguồn điện quy mô nhỏ này không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp điện sinh hoạt, mà còn có thể sử dụng để bơm nước tưới, làm mát...
Nếu như cách đây 3 năm, lắp một hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà 1,5 kW phải mất khoảng 120 triệu đồng, thì bây giờ chỉ tốn một nửa tiền. Khi thị trường NLTT hình thành và phát triển hơn, sản phẩm được sản xuất hàng loạt thì giá thành sẽ giảm xuống nhanh chóng. Bên cạnh các hệ thống lớn của các nhà đầu tư lớn, đây là dư địa phát triển cho các nhà đầu tư là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm khởi nghiệp.
Tuy nhiên, việc sử dụng NLTT trong hệ thống đòi hỏi phải có sự phối hợp với các nguồn khác để đảm bảo tính ổn định, đưa lên lưới điện. Với những khu vực chưa có lưới điện, cần có sự kết hợp các giải pháp năng lượng mặt trời với điện gió, thủy điện nhỏ hay ắc quy.
Bà có thể chia sẻ một số mô hình thành công được không?
Theo một số nghiên cứu, đầu tư toàn cầu cho các giải pháp NLTT độc lập không nối lưới đến năm 2017 đã tăng lên 284 triệu USD. Tổng công suất NLTT không nối lưới toàn cầu tăng từ 231 MW năm 2008 lên 1,2 GW năm 2017. Khu vực châu Á cũng có công suất lắp đặt tăng lên đáng kể từ 1,3 GW năm 2008 lên đến 4,3 GW năm 2017.
Còn tại Việt Nam, có thể kể đến một số mô hình đã triển khai thành công như: Hệ thống cấp điện mặt trời mini không nối lưới tại bản Erot - một bản xa xôi, hẻo lánh của xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk - cung cấp điện cho 23 hộ gia đình và 1 nhà thờ, 1 hệ thống cấp nước uống tinh khiết (RO, 360 l/h), với giá bán điện là 2.000 đồng/kWh, giá bán nước là 7.000 đồng/20 lít; Mô hình ấp sử dụng 100% tấm pin năng lượng mặt trời tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang (gồm 274 hộ ở ấp Vồ Bà và Tà Lọt)...