Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát từng nhấn mạnh, trong giai đoạn phát triển mới, bên cạnh vai trò điều hành của Chính phủ, vai trò chủ lực của người sản xuất, cần phải có sự đồng hành quyết định của doanh nghiệp. Doanh nghiệp là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị, có tiềm lực giải quyết 3 điểm nghẽn lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Đó là các doanh nghiệp có nguồn vốn lớn có thể đầu tư cho nông nghiệp quy mô lớn và hiệu quả; đồng thời doanh nghiệp nhanh nhạy nắm bắt thị trường, giúp kết nối thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản; và doanh nghiệp có tiềm lực ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất và chế biến giúp nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản.
Trên thực tế, việc tư nhân tham gia vào các dự án nhỏ trong nông nghiệp đã được triển khai, thực hiện từ khá lâu, có thể kể đến như các dự án nước sạch nông thôn, công trình thủy lợi, dịch vụ liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,… Tuy nhiên, đến nay, chưa có dự án đầu tư nào vào nông nghiệp, nông thôn được thực hiện theo hình thức PPP đúng nghĩa. Phần lớn các dự án chưa phân định rõ ràng việc tham gia đóng góp của mỗi bên, chưa phân chia rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và chia sẻ rủi ro khi thực hiện, nên kết quả còn hạn chế và khó khăn trong xử lý tranh chấp.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, việc Chính phủ ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP cho phép áp dụng đầu tư đối với công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mở ra nhiều cơ hội cho tư nhân tham gia vào lĩnh vực này. Mô hình PPP sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam nhờ tranh thủ sự hỗ trợ về vốn, công nghệ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư tư nhân trong điều kiện ngân sách đầu tư cho nông nghiệp còn khiêm tốn, trong khi các nguồn hỗ trợ và thu hút đầu tư từ nước ngoài còn khó khăn.
Đại diện Bộ NN&PTNT cũng cho biết, rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến mô hình PPP trong nông nghiệp. Bộ đã làm việc với 15 tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp để trao đổi về thực hiện PPP đối với một số sản phẩm chủ chốt của ngành. Nhiều mô hình, dự án thực tế của một số doanh nghiệp đã thực hiện thành công theo hình thức xã hội hóa, như Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, Tập đoàn Đa quốc gia Netsle trong thời gian qua đã minh chứng và cho thấy tiềm năng thực hiện PPP trong lĩnh vực nông nghiệp. Các tập đoàn lớn như Viettel, Vingroup, FPT... đều có chiến lược đầu tư vào nông nghiệp với đúng sở trường, tiềm lực của mình. Nhiều nhà đầu tư đánh giá, mô hình PPP sẽ là chìa khóa “mở toang” cánh cửa thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài vào ngành.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT là cơ quan trung ương sớm thành lập và kiện toàn bộ máy chuyên môn về PPP. Sau khi Nghị định 15/2015/NĐ-CP ban hành, Bộ NN&PTNT đã nhanh chóng ra Quyết định ban hành Kế hoạch truyền thông về mô hình PPP năm 2015 và giai đoạn 2015 - 2020 của Bộ, cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của toàn ngành nông nghiệp với hình thức đầu tư này.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Đan, quy định về PPP vẫn còn mới nên việc triển khai có khó khăn, vướng mắc. Trong đó, những vướng mắc lớn là việc triển khai dự án PPP trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là dự án dịch vụ bị hạn chế vì không có loại hợp đồng tương ứng để ký kết và thực hiện dự án; việc bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án PPP còn hết sức khó khăn; các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thường có khả năng sinh lời thấp... Để tháo gỡ vướng mắc, hiện Bộ đang soạn thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 15/2015/NĐ-CP trong lĩnh vực nông nghiệp để giải quyết những vấn đề mang tính đặc thù của ngành.
Bộ NN&PTNT cũng đã phê duyệt kế hoạch đầu tư theo hình thức PPP giai đoạn 2016 - 2020, với 21 dự án, trong đó, có 4 dự án thủy lợi, 10 dự án thủy sản, 2 dự án lâm nghiệp, 5 dự án cấp nước và xử lý chất thải. Nhưng do điều kiện về nguồn lực và nhiều nguyên nhân khác, sau khi rà soát, hiện Bộ NN&PTNT mới lựa chọn được 2 dự án để chuẩn bị đầu tư theo hình thức PPP. Đó là dự án Hồ chứa nước Đồng Điền tỉnh Khánh Hòa và dự án Đầu tư xây dựng công trình hệ thống cấp nước nông thôn tại 10 xã của huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.