Nâng vị thế công nghiệp Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo dự báo vừa cập nhật của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế nước ta năm nay có thể đạt 7,5%. Trong đó, ngành công nghiệp với công nghiệp chế tạo là “đầu kéo” được ví như một “động lực” quan trọng của tăng trưởng. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế cũng như đại diện doanh nghiệp (DN), vị thế ngành công nghiệp Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu chưa được như mong đợi.
Làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài là cơ hội để doanh nghiệp công nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Tiến Tân
Làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài là cơ hội để doanh nghiệp công nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Tiến Tân

Trước bối cảnh làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn quốc tế. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây chính là cơ hội để các DN công nghiệp Việt Nam, nhất là DN công nghiệp chế biến, chế tạo tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Việt Nam có những lợi thế về vị trí địa lý cũng như kinh tế - xã hội để tiếp tục thu hút FDI, thúc đẩy sản xuất. Số liệu thu hút FDI 7 tháng đầu năm 2022 vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố cho thấy, dòng vốn nước ngoài chủ yếu đổ vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có sức lan tỏa, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng. Đặc biệt, cuối tháng 8 này, hãng Boeing (Mỹ) sẽ tổ chức hội nghị hàng không vũ trụ tại Việt Nam với mục tiêu tìm kiếm các nhà cung ứng từ nội địa nhằm tạo hệ sinh thái cho Boeing tại Việt Nam.

“Các nhà đầu tư FDI lớn đang nhìn Việt Nam như một điểm đến hứa hẹn đầy triển vọng nên họ mong muốn tìm kiếm nhà cung ứng địa phương”, bà Hương nói và cho biết thêm, trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ vừa diễn ra, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) tiếp tục cam kết mở rộng đầu tư ở Việt Nam với việc đầu tư nhà máy chip bán dẫn...

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho biết, đến nay, mới có khoảng 30% DN công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này cho thấy mối liên kết giữa DN trong nước với DN FDI còn lỏng lẻo, chưa đạt như kỳ vọng.

Đồng quan điểm, PGS. TS. Trần Đình Thiên nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề then chốt nhất đối với phát triển công nghiệp Việt Nam. DN công nghiệp của chúng ta còn khó khăn, việc tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu chưa đạt kết quả như mong đợi. Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp vào GDP còn khiêm tốn.

Về nguyên nhân của những hạn chế này, các ý kiến cho là do xuất phát điểm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của nước ta đi sau nhiều nước, năng lực tham gia chuỗi còn yếu. Ngành công nghiệp hỗ trợ - nền tảng cho sự phát triển bền vững ngành công nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu các “sếu đầu đàn” dẫn dắt chuỗi, vì thế, theo ông Thiên, DN trong nước tham gia vào chuỗi của người Việt còn khó khăn chứ chưa nói đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vẫn theo TS. Trần Đình Thiên, cơ hội mở ra đối với DN công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đang rất lớn. Tuy nhiên, cần có một chiến lược tích cực nhằm cải thiện năng lực DN công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào các chuỗi cung ứng cũng như tăng cường mối liên kết DN trong nước và DN FDI.

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, cơ hội là rõ ràng, nhưng để nắm bắt thời cơ đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều phía, nhất là sự chủ động từ DN, nhà làm chính sách để tạo sân chơi tốt cho DN.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm tham gia chuỗi cung ứng linh kiện điện tử toàn cầu, đại diện Công ty CP Sản xuất gia công và Xuất nhập khẩu Hanel chia sẻ, để không mất cơ hội, nhất là để chen chân vào chuỗi giá trị, ngay từ đầu DN phải có chiến lược bài bản để tham gia chuỗi. “Muốn chơi cùng sân với DN quốc tế thì chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN Việt phải ngang bằng họ. Theo đó, DN Việt phải liên tục học tập, cải tiến không ngừng nghỉ với tầm nhìn đi trước để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng”, đại diện Hanel gợi ý.

Để cải thiện mối liên kết với DN FDI và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của DN Việt, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, trong chính sách thu hút đầu tư phải có sự ràng buộc rõ ràng với quy định DN FDI vào Việt Nam phải có cam kết liên kết với DN trong nước để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa…

Liên quan đến vấn đề này, một số DN cũng bày tỏ mong muốn các cấp, các ngành cần hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ DN chớp lấy thời cơ nhằm phục hồi và phát triển chuỗi giá trị bền vững, tạo đà bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đồng thời tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để các DN công nghiệp trong nước có thể lớn mạnh, tạo ra giá trị gia tăng trong nước lớn hơn. Từ đó, hình thành các tập toàn công nghiệp tư nhân lớn đóng vai trò dẫn dắt hệ thống DN công nghiệp nội địa vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Tin cùng chuyên mục