Ngân hàng dồn dập tăng vốn thông qua kênh cổ tức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều ngân hàng đang thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ, trong đó chú trọng chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đây được cho là cách làm phù hợp trong bối cảnh thị trường chứng khoán gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, chiến lược tăng vốn của các ngân hàng trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào diễn biến của thị trường chứng khoán, đồng thời, có thể phải điều chỉnh các chính sách về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại và xem xét khả năng mua bán, sáp nhập trong hệ thống ngân hàng.
Eximbank dự kiến phát hành hơn 245,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20%, qua đó tăng vốn điều lệ lên 14.814 tỷ đồng. Ảnh: Lê Toàn
Eximbank dự kiến phát hành hơn 245,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20%, qua đó tăng vốn điều lệ lên 14.814 tỷ đồng. Ảnh: Lê Toàn

Ngân hàng Eximbank vừa thông qua việc triển khai phương án phát hành hơn 245,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20%. Nguồn vốn phát hành từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ trong giai đoạn 2017 - 2021. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của Ngân hàng dự kiến tăng từ 12.355 tỷ đồng lên 14.814 tỷ đồng. Eximbank cho biết, thời gian hoàn thành dự kiến trong quý III năm nay.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVB) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Cụ thể, BVB tăng vốn điều lệ tăng thêm tối đa 1.618 tỷ đồng dưới hình thức phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu (tối đa 550,6 tỷ đồng), phát hành cho cổ đông hiện hữu (tối đa 917,7 tỷ đồng) và phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (tối đa 150 tỷ đồng).

OCB được chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm 58,8 tỷ đồng, trong đó tối đa 50 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động OCB và tối đa 8,8 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (Ngân hàng Aozora).

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng thông qua kế hoạch triển khai phương án tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 20.403 tỷ đồng trong quý II và quý III năm 2022 bằng việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên.

Theo quy định hiện hành, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM Việt Nam. Hiện nhiều ngân hàng có tỷ lệ sở hữu thấp hơn mức này. Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) quy định, trong 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (ngày 1/8/2020), Việt Nam cam kết xem xét cho phép 2 TCTD châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam.

Về vốn điều lệ của các ngân hàng, Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025" yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) phải có biện pháp bảo đảm có số vốn điều lệ tương ứng với từng quy mô đến năm 2025. Cụ thể, nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn: vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng; nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài: vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc tăng vốn là nhu cầu hiện hữu của các TCTD nhằm đáp ứng chuẩn Basel II, các chỉ tiêu an toàn vốn khác, đồng thời tăng cường tiềm lực tài chính để cạnh tranh trong giai đoạn mới.

Mức độ tăng vốn sẽ thấp hơn năm 2021 do thị trường chứng khoán đang điều chỉnh, chịu nhiều rủi ro hơn và khả năng giảm điểm là cao.

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận xét, các ngân hàng tiếp tục nỗ lực tăng vốn điều lệ bằng nhiều cách, song chia cổ tức bằng cổ phiếu là giải pháp căn cơ và khả dĩ nhất trong giai đoạn hiện nay bởi thị trường chứng khoán đang gặp khó khăn. “Các ngân hàng có khả năng tăng vốn theo cách chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại cho thấy họ vẫn có năng lực tài chính khá tốt. Việc tăng vốn sẽ giúp họ tiếp tục củng cố nguồn lực và mở ra triển vọng hoạt động tích cực trong tương lai”, ông Linh nói.

Vẫn theo ông Linh, bên cạnh việc tăng vốn bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu như đã và đang thực hiện những năm gần đây, các ngân hàng có thể tính đến việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại (nếu còn dư địa), cơ quan chức năng có thể xem xét việc nới quy định về tỷ lệ này và cả việc mua bán và sáp nhập ngân hàng.

Tin cùng chuyên mục