BIDV là một trong những ngân hàng tiên phong ứng dụng công nghệ vào hoạt động thanh toán |
Ngân hàng có lợi thế về uy tín, lượng khách hàng lớn, kinh nghiệm quản trị, trong khi các công ty Fintech có lợi thế nắm bắt nhanh các cơ hội ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính; linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong việc đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tùy theo mức độ cho phép của pháp luật đối với sự tham gia của Fintech vào lĩnh vực ngân hàng mà các công ty Fintech có thể là đối thủ hoặc là đối tác của các ngân hàng.
Tại Việt Nam, Fintech được xác định không phải là đối thủ mà là đối tác của ngân hàng. Đánh giá về triển vọng của Fintech tại Việt Nam, đại diện Công ty Tư vấn Solidiance cho biết, Việt Nam sẽ nổi lên là nền kinh tế dẫn đầu trong khu vực về phát triển giải pháp đổi mới Fintech nhờ lượng dân số trẻ đông đảo, luôn cởi mở với công nghệ. Nếu các ngân hàng không biết tận dụng Fintech như là “lối thoát hiểm” thì sẽ không được hưởng giá trị gia tăng.
Trên thực tế tại Việt Nam, nhiều ngân hàng đã bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp Fintech để cung ứng dịch vụ tiện ích, làm phong phú thêm các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ khách hàng.
Theo lãnh đạo Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước, hiện có khoảng 80 công ty hoạt động tại nhiều lĩnh vực khác nhau của Fintech. Tổng giá trị các thương vụ đầu tư nước ngoài liên quan đến các công ty Fintech tại Việt Nam trong 2 năm 2016 - 2017 đạt khoảng 129 triệu USD. Tính đến hết năm 2017, thị trường Fintech Việt Nam đã đạt mức 4,4 tỷ USD (theo số liệu từ báo cáo của Solidiance).
Một trong những minh chứng cho sự thành công của việc vận dụng hệ sinh thái ngân hàng - Fintech ở Việt Nam là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Xu hướng hợp tác với các công ty Fintech và trung gian thanh toán đã giúp khách hàng của BIDV tiếp cận với các dịch vụ tài chính đa dạng, phong phú. BIDV đã hoàn thành kết nối thanh toán với các thương hiệu Fintech phổ biến trên thị trường như: Napas, Momo, Zalo, Moca, Airpay, VTC pay, Payoo, Baokim, Vimo, Onepay, Wepay, Ngân lượng, Vnpay, Samsungpay, Truemoney, Viettel, Vinatti…
Giờ đây, khách hàng của BIDV có thể thanh toán hơn 300 loại dịch vụ trong các lĩnh vực: giáo dục, viễn thông, giao thông, điện, nước, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính tiêu dùng, truyền hình, giải trí, mua sắm trực tuyến, đấu thầu… Trong 9 tháng năm 2018, gần 80% các giao dịch thanh toán nói trên được thực hiện qua kênh ngân hàng điện tử, mang lại sự tiện lợi và tiết kiệm cho khách hàng.
Ngoài giải pháp thanh toán hàng hóa bằng thẻ truyền thống, ngày nay khách hàng còn có thể thanh toán trực tuyến ngay trên website của đơn vị bán hàng cũng như thanh toán bằng mobile tại các điểm bán hàng bằng các giải pháp như QR code, Samsung Pay, ví điện tử.
Thông qua ứng dụng BIDV SmartBanking, BIDV đã mang đến các sản phẩm dịch vụ phi ngân hàng nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng như: đặt vé máy bay; mua vé xem phim trực tuyến; chọn vị trí ngồi trong rạp; đặt phòng khách sạn; mua sắm online; theo dõi danh mục đầu tư chứng khoán… Ứng dụng có rất nhiều tính năng hấp dẫn người dùng như: chuyển tiền qua số điện thoại, tính năng trợ lý ảo (cho phép khách hàng thực hiện các loại giao dịch bằng giọng nói); có chức năng trò chuyện trên SmartBanking cho cộng đồng người dùng; hỗ trợ tin nhắn đa phương tiện qua Internet; thanh toán hóa đơn qua mã QR giúp khách hàng có thể trải nghiệm các dịch vụ thanh toán hiện đại.
Từ nay đến cuối năm 2018, một số tính năng mới sẽ tiếp tục được BIDV ứng dụng trên kênh SmartBanking như: trả nợ vay, quản lý tài chính cá nhân, nhận tiền Western Union, tích lũy điểm thưởng. Dịch vụ được cung cấp đến tất cả các khách hàng sử dụng điện thoại thông minh dùng hệ điều hành Android, iOS. Người tiêu dùng đã có hoặc chưa có tài khoản tại BIDV, đã đăng ký hoặc chưa đăng ký dịch vụ BIDV SmartBanking đều có thể sử dụng dịch vụ ở các mức độ khác nhau. Có thể nói, dịch vụ thanh toán đã xuất hiện tại nơi khách hàng chi tiêu và vào lúc khách hàng cần.