Ngân hàng không cho vay, dự án BOT sẽ phải dừng

(BĐT) - Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đấu thầu về tính khả thi của các dự án BOT khi mà chủ trương của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là phải làm mới từ đầu để người dân có sự lựa chọn, trong khi phía ngân hàng thì đang siết cho vay các dự án BOT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, nếu ngân hàng không cho vay vốn, các dự án BOT chắc chắn phải dừng.
Theo quan điểm của Bộ GTVT, từ nay về sau, việc đầu tư dự án BOT sẽ theo hướng làm mới từ đầu. Ảnh: Nguyễn Đăng Đông
Theo quan điểm của Bộ GTVT, từ nay về sau, việc đầu tư dự án BOT sẽ theo hướng làm mới từ đầu. Ảnh: Nguyễn Đăng Đông

Làm mới từ đầu dự án BOT để người dân lựa chọn

Có một thực tế là nhiều dự án BOT được triển khai thời gian qua nằm trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo như Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14. Những dự án BOT này đều có chung một đặc điểm là mở rộng, nâng cấp, cải tạo… từ những tuyến đường được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trước đó, không phải là những dự án được làm mới và được đầu tư từ đầu. Với vị trí độc đạo của các tuyến đường, sau khi các trạm thu phí BOT mọc lên ở đây, người dân và các doanh nghiệp vận tải gần như là bị “cưỡng bức” đóng phí BOT vì không còn cách nào khác. Giá phí BOT theo thời gian đang có xu hướng tăng lên dựa vào lộ trình tăng phí đã được ký kết trong hợp đồng BOT, điều này đã khiến dư luận rất bức xúc.

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng thừa nhận rằng, thực tế làm BOT thời gian qua như “mò đá qua sông” nên không thể tránh khỏi những “vết sạn”. Từ việc tổng kết và đánh giá lại toàn bộ thực tế triển khai các dự án BOT 5 năm vừa rồi, Bộ GTVT sẽ đúc rút và đưa ra các giải pháp để quá trình thực hiện dự án BOT thời gian tới nhận được sự đồng thuận của người dân, xã hội, tiếp tục góp phần vào việc hiện đại hóa hạ tầng của đất nước.

Còn Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, theo quan điểm của Bộ GTVT, từ nay về sau, việc đầu tư các dự án BOT sẽ theo hướng làm mới từ đầu, khi triển khai xây dựng dự án BOT thì phải có phương án để người dân có quyền lựa chọn, như vậy sẽ tránh được sự bức xúc của người dân như thời gian qua. Theo đó, việc lập dự án đầu tư sẽ chuyển về cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng dự án và việc thẩm định dự án BOT cũng sẽ được triển khai và quản lý chặt chẽ như các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. 

Cần ngân hàng “rót” 50% vốn cho dự án BOT

Trong vòng 1 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phát công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông. Và trên thực tế, động thái siết vốn vay này của phía ngân hàng đã đẩy các dự án BOT gần như vào thế bế tắc, bởi vì trên 80% vốn đầu tư vào các dự án BOT thời gian qua là vốn vay từ các ngân hàng thương mại trong nước.

 Trao đổi với Báo Đấu thầu, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, theo quy định hiện nay, vốn chủ sở hữu bắt buộc của nhà đầu tư tham gia vào các dự án BOT là bằng 15% tổng mức đầu tư của dự án. Nếu quy định nâng vốn tự có (vốn chủ sở hữu) của nhà đầu tư tham gia vào các dự án BOT lên thì nhà đầu tư sẽ không chịu được vì tổng vốn đầu tư vào dự án BOT thường rất cao (hàng nghìn tỷ đồng), và như vậy chúng ta sẽ không thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư vào các dự án BOT.

Theo ông Nguyễn Hồng Trường, việc đầu tư vào các dự án BOT cần có sự tham gia của Nhà nước để giảm áp lực cho cả nhà đầu tư và cho cả phía ngân hàng. Bộ GTVT đang đề xuất mức độ tham gia của Nhà nước vào các dự án BOT khoảng 30 - 40%. Như vậy, tổng cộng vốn đầu tư của nhà đầu tư, của phía Nhà nước vào các dự án BOT cũng chỉ khoảng 50%, phần vốn 50% còn lại chắc chắn phải vay ngân hàng thì mới có thể thực hiện các dự án BOT được. Vai trò của ngân hàng trong việc cấp tín dụng cho dự án BOT là hết sức cần thiết, nếu ngân hàng không cho vay vốn, chắc chắn các dự án BOT sẽ phải dừng triển khai. Chính vì vậy, Bộ GTVT đang đề xuất Chính phủ có những chỉ đạo định hướng để thời gian tới phía Ngân hàng Nhà nước có quyết sách điều hành các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện cơ chế cho vay, “rót vốn” vào các dự án BOT.