Theo Ngân hàng Thế giới, tái cơ cấu chậm có thể gây rủi ro cho tăng trưởng trung hạn. Ảnh: Tiên Giang |
Ông Sandeep Mahajan - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho rằng, đối với kinh tế Việt Nam, tốc độ tái cơ cấu chậm chạp gây rủi ro cho tăng trưởng trung hạn. Tình trạng nợ công tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ thấp, thâm hụt ngân sách lớn đang gây nhiều quan ngại. Dự báo đến năm 2016, nợ công của Việt Nam sẽ tăng lên mức 63,8% GDP, năm 2017 là 64,4%, năm 2018 lên 64,7%. Như vậy, nợ công của Việt Nam sẽ chạm trần mức khả năng trả nợ của Chính phủ là 65%.
Bên cạnh đó, thâm hụt tài khóa đạt 6,5% GDP trong năm 2015 là kết quả của giảm thu và tăng chi đầu tư cơ bản và chi thường xuyên. Yếu tố này đã làm áp lực tài khóa tăng lên. Các chuyên gia WB khuyến cáo, Việt Nam cần phải đưa ra biện pháp thích hợp để củng cố tài khóa trung hạn cả thu và chi. Bởi nếu không có kế hoạch tài chính thận trọng hơn, tài chính của Việt Nam có thể phải chịu nhiều rủi ro.
Rủi ro lớn tiếp theo nằm ở ngành ngân hàng khi hiện nay tín dụng đang tăng nhanh dần. Cầu bên ngoài yếu đi và bất ổn tài chính toàn cầu đòi hỏi phải liên tục chú ý quản lý kinh tế vĩ mô tốt để tránh bị ảnh hưởng của các cú sốc có thể xảy ra.
Kiến nghị về những giải pháp để tiếp tục duy trì tăng trưởng, chuyên gia của WB cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định tài khoá, tăng cường sự linh hoạt tỷ giá và nâng dự trữ ngoại tệ để giảm bớt các yếu tố dễ bị tổn thương của nền kinh tế.
Về dài hạn, Báo cáo kêu gọi các chính phủ tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình.