Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/1/2022, những cổ phiếu thuộc hệ sinh thái của FLC giảm kịch sàn la liệt. Ảnh: Ngô Bảo Tín |
Chị Thảo, kế toán của một công ty dược ở TP.HCM cho biết, chị tham gia vào thị trường chứng khoán từ hồi tháng 6 năm nay. Số vốn tuy vài trăm triệu đồng là không nhiều trên thị trường chứng khoán, nhưng với chị đó là một khoản tiền lớn chắt chiu từ bấy lâu nay. Gần đây, chị tập trung danh mục đầu tư của mình vào các cổ phiếu của tỷ phú Trịnh Văn Quyết như: FLC, ROS, AMD, KLF, HAI, ART. Khi “hàng T+2 về”, tuy đã có lãi nhưng chị chưa chịu bán. Đùng một cái, vào buổi chiều “đẹp trời” cuối phiên ngày 10/1/2022 vừa qua, hàng loạt cổ phiếu của chị cắm đầu giảm mạnh sau cú “xả hàng” của Trịnh Văn Quyết.
Không tính ngày nghỉ, đến nay là phiên thứ 7 những cổ phiếu liên quan đến hệ sinh thái FLC giảm kịch sàn. Nếu tính biên độ của sàn UpCOM là 15%, sàn HNX là 10% và sàn HOSE là 7% mà nhân lên thì tỷ lệ lỗ là ngoài sức hình dung của nhà đầu tư. Trên các diễn đàn chứng khoán, mạng xã hội, những lời ca thán, oán hận, tức tối, thậm chí còn hơn thế nữa dành cho vị tỷ phú kia là không thể kể hết. Cơn thịnh nộ của nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư mới bước vào thị trường là không phải vô cớ.
Cú đánh úp của Trịnh Văn Quyết trên sàn chứng khoán khiến nhiều nhà đầu tư chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra, thì ngay ngày hôm sau, 11/1/2022, bức tâm thư của ông chủ Tân Hoàng Minh xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất đã trúng trước đó với giá 24.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm như một đòn chí mạng khiến cho thị trường chứng khoán chao đảo. Hàng loạt cổ phiếu bất động sản đồng loạt giảm sàn, nhất là những cổ phiếu được hưởng lợi gián tiếp từ vụ đấu giá nói trên, như CII là một điển hình. Và cũng từ đó đến nay, nhiều cổ phiếu chưa thể quay đầu, tiếp tục lao dốc, chưa biết đâu là đáy.
Trước đó không lâu, vào cuối tháng 9/2021, nói như ngôn từ của dân đầu tư chứng khoán là nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng đã bị “úp bô” một cách tức tối bởi những lời cam kết chắc như đinh đóng cột của Đỗ Thành Nhân, người có liên quan đến Louis Capital và những cổ phiếu trong hệ sinh thái này, như TGG, BII, APG, AGM, SMT, CVK, DDV…
Sau “nghi án” làm giá, Louis Capital bị phạt 145 triệu đồng cho hai lỗi: công bố thông tin không đúng thời hạn đối với Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019; công bố thông tin sai lệch. Riêng nhà đầu tư thì thiệt hại là vô cùng nặng nề do cổ phiếu của họ Louis đồng loạt giảm mạnh, không biết ngày nào mới “về bờ”.
Việc nhiều nhà đầu tư chứng khoán ôm hận với cổ phiếu của những ông chủ “hứa hươu hứa vượn”, dùng “đội lái” để thổi giá, thao túng, dùng “chim mồi” để “phím hàng” lâu nay không hiếm. Thường sau những chiến dịch “lùa gà” như thế, tài sản của họ tăng gấp vài ba lần, còn những nhà đầu tư nhỏ, thiếu kinh nghiệm, thích đầu cơ chắc chắn nhiều trong số đó sẽ gần như trắng tay.
"Tiền không tự sinh ra và không tự mất đi, mà nó chỉ chảy từ túi người này qua túi người khác". Câu nói tự trào nhưng cũng đầy cay đắng này được nhiều nhà đầu tư thuộc nằm lòng, nhưng đối với thị trường chứng khoán, dường như không có bài học kinh nghiệm nào giống bài học kinh nghiệm nào.
Một chuyên gia về chứng khoán bình luận rằng, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa đưa ra mức phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 5 tháng đối với ông Trịnh Văn Quyết là cần thiết và kịp thời, việc hủy kết quả giao dịch cổ phiếu chui trước đó cũng vậy, nhưng đây suy cho cùng thì cũng mới chỉ xử lý phần ngọn của vấn đề. Bởi, chừng nào công tác giám sát giao dịch, phát hiện các dấu hiệu giao dịch bất thường, giao dịch nội bộ, thao túng giá chứng khoán chưa kịp thời, thì chừng đó những kẻ cơ hội và trục lợi trên thị trường chứng khoán một cách bất chính vẫn tồn tại. Và như vậy, thị trường chứng khoán - nơi được ví như một “áp nhiệt kế” của nền kinh tế vẫn chưa thể minh bạch và đủ độ tin cậy đối với nhà đầu tư.