Ngân sách nhà nước chật vật vì dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tháng 8 năm nay, ngân sách nhà nước (NSNN) rơi vào tình trạng bội chi. Diễn biến dịch bệnh phức tạp, doanh nghiệp và người dân xoay sở tìm cách cầm cự, dự báo tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với mục tiêu là những yếu tố cho thấy “túi tiền” nhà nước trong những tháng cuối năm sẽ rất chật vật. Có ý kiến cho rằng, cần chú trọng cân đối cán cân tài khóa, kiểm soát chặt các nguồn chi phòng chống dịch bệnh và chi hỗ trợ khôi phục kinh tế.
Tháng 8/2021, ngân sách nhà nước bội chi gần 37 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Tâm An
Tháng 8/2021, ngân sách nhà nước bội chi gần 37 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Tâm An

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, thu NSNN tháng 8 ước đạt 78,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa ước đạt 63,2 nghìn tỷ đồng, giảm 14,2 nghìn tỷ đồng so với tháng 7; thu từ dầu thô ước đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, giảm 224 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 24 nghìn tỷ đồng, giảm 11 nghìn tỷ đồng.

Lũy kế thu NSNN 8 tháng ước đạt 1.004,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa đạt 820,4 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Do ảnh hưởng của đợt dịch tái bùng phát từ tháng 4, diễn biến thu nội địa giảm dần qua các tháng. Cụ thể, tháng 4 thu được 115,6 nghìn tỷ đồng; tháng 5 thu được 85 nghìn tỷ đồng; tháng 6 thu được 80,5 nghìn tỷ đồng; tháng 7 thu được 114,4 nghìn tỷ đồng, nếu không kể 37 nghìn tỷ đồng tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai và nộp theo quý thì chỉ thu được 77,4 nghìn tỷ đồng; tháng 8 thu được 63,2 nghìn tỷ đồng.

Thu từ dầu thô trong 8 tháng đạt 25,7 nghìn tỷ đồng, bằng 111% dự toán, tăng 0,9% so cùng kỳ năm trước. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng đạt 157,5 nghìn tỷ đồng, bằng 88,2% dự toán, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Về chi, tổng chi NSNN tháng 8 ước đạt 115,5 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 8 tháng ước đạt 918,1 nghìn tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển là 187,3 nghìn tỷ đồng, bằng 39,2% dự toán; chi trả nợ lãi xấp xỉ 72 nghìn tỷ đồng, bằng 65,4% dự toán; chi thường xuyên là 652,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63% dự toán.

Như vậy, trong tháng 8, NSNN bội chi gần 37 nghìn tỷ đồng, nhưng tính chung 8 tháng, cán cân tài khóa vẫn thặng dư 86,1 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 101,5 nghìn tỷ đồng thặng dư ngân sách trong 7 tháng đầu năm.

Ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động tác động tiêu cực đến thu NSNN. Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 sẽ khiến thu NSNN tháng 9 cũng như các tháng cuối năm 2021 tiếp tục gặp khó khăn.

Liên quan nội dung này, tại Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9/2021 vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, cân đối ngân sách trong tháng 8 ghi nhận bội chi thể hiện tác động của chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, cũng như các hoạt động kinh tế chững lại. Đáng chú ý, chi NSNN tăng do phải huy động nguồn lực để chống chọi với dịch Covid-19 và mua vắc-xin. Các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội, đặc biệt là ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, cản trở việc thực hiện các dự án đầu tư công vốn đã bị chậm trễ từ đầu năm.

Theo WB, kết quả tổng thể của nền kinh tế trong năm 2021 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng kiểm soát đợt dịch đang diễn ra một cách hiệu quả trong tháng 9, để các hoạt động kinh tế có thể khôi phục trở lại trong quý IV. Chính phủ cần sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy cầu trong nước trong ngắn hạn, bằng cách đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng, giúp khôi phục tiêu dùng tư nhân. Hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh quy mô nhỏ cũng là cách giúp đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và tạo việc làm. Vì chi ngân sách tăng trong khi thu ngân sách sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, nên cần tiếp tục thận trọng theo dõi tình hình cân đối tài khóa.

PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, trong thời gian tới, cán cân tài khóa sẽ rất thách thức, nguy cơ mất cân đối hiện rõ. Thu NSNN chắc chắn sẽ rất căng thẳng. Đáng chú ý, nhiều tổ chức nghiên cứu ước tính, tăng trưởng GDP năm nay chỉ ở mức 3,5 - 4%, thấp hơn nhiều so với con số mục tiêu ban đầu, cũng đồng nghĩa với nguồn thu ngân sách sẽ giảm đáng kể so với ước tính từ đầu năm. Trong khi đó, chi NSNN cho phòng chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh hồi phục là con số không nhỏ.

“Các khoản tăng chi thì không thể dừng bởi đó là cách để hỗ trợ hồi phục kinh tế, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu. Tuy nhiên, cần tiếp tục cắt giảm chi thường xuyên, giám sát và thanh kiểm tra chặt chẽ các khoản chi phòng chống dịch để tránh tình trạng tham nhũng, lãng phí gây thất thoát NSNN. Các chính sách chi để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân là cần thiết nhưng phải đúng địa chỉ. Chi đầu tư phát triển vẫn cần đẩy mạnh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế song cần đánh giá kỹ lưỡng về tính hiệu quả của đồng vốn. Nếu làm đúng và đủ các giải pháp, kiểm soát chặt chẽ cả thu và chi NSNN thì có thể kỳ vọng về khả năng nền kinh tế sớm hồi phục, giúp NSNN có thêm nguồn thu”, ông Long đề xuất.

Tin cùng chuyên mục