Ngân sách vẫn “bóc ngắn cắn dài”

(BĐT) - “Đã cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% vào năm 2015. Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định. Dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay…”. 
Nợ công tăng mạnh vì Chính phủ phải vay nợ để bù đắp chi đầu tư phát triển. Ảnh: Lê Tiên
Nợ công tăng mạnh vì Chính phủ phải vay nợ để bù đắp chi đầu tư phát triển. Ảnh: Lê Tiên

Đó là những kết quả ấn tượng nhất trong phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tạm hài lòng với kết quả đạt được

Đánh giá về thành quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) trong 5 năm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, nhiệm vụ thu NSNN đạt và vượt dự toán Quốc hội đề ra; tỷ lệ huy động từ thuế, phí bình quân khoảng 20 - 21% GDP. Cơ cấu thu chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN.

Thu NSNN vượt dự toán, nhưng chi ngân sách vẫn tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, tổng chi NSNN giai đoạn 2011 - 2015 bằng khoảng 2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Trong cơ cấu chi, chi thường xuyên từ 55,2% tăng lên 64 - 65% tổng chi. Trong khi đó chi đầu tư phát triển giảm mạnh từ 30,6% (giai đoạn 2001 - 2005) xuống 28,2% (giai đoạn 2006 - 2010) và còn khoảng 23,6% tổng chi trong 5 năm vừa qua.

Thu lắm, chi nhiều, nên theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, cân đối NSNN gặp nhiều khó khăn dẫn đến tỷ lệ bội chi cao hơn Nghị quyết của Quốc hội. Cân đối NSNN giai đoạn 5 năm vừa qua vẫn trong tình cảnh “bóc ngắn cắn dài”, làm ra không đủ chi tiêu, nên muốn đầu tư, Chính phủ buộc phải đi vay, khiến dư nợ công của Chính phủ đến năm 2015 tương đương 62,2% GDP, nợ chính phủ lên tới 50,3% GDP, còn nợ nước ngoài của quốc gia tương đương 43,1% GDP.

Tuy nhiên, đánh giá tổng quát tất cả các chỉ tiêu kinh tế trong giai đoạn vừa qua, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, kết quả đạt được là tạm chấp nhận. Bởi mặc dù tốc độ tăng GDP không đạt mục tiêu (tốc độ tăng GDP bình quân đạt 5,9% trong khi đó mục tiêu đặt ra là tăng trưởng từ 6,5% đến 7%), nhưng duy trì ở mức hợp lý; từ năm 2013, nền kinh tế dần phục hồi, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước (tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 đạt 5,98%, năm 2015 đạt 6,68% - vượt mục tiêu đề ra); chất lượng tăng trưởng được nâng lên. “GDP năm 2015 đạt 193,4 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết.

Nhìn lại trong 5 năm qua, ngoài những kết quả đạt được, ông Phương đánh giá, phát triển của nền kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc.

Đặc biệt, giá dầu thời gian qua giảm mạnh khiến thu NSNN liên quan đến xăng dầu giảm rất mạnh, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác. 

Chưa yên tâm khi bắt tay vào kế hoạch mới

Không phủ nhận những kết quả đạt được trong 5 năm vừa qua, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu băn khoăn  khi mà bội chi của Việt Nam gấp đôi các nước trong khu vực; lãi suất vay vốn ngân hàng vẫn còn quá sức chịu đựng của doanh nghiệp khiến giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Nợ xấu tuy giảm mạnh nhưng chưa thể yên tâm được. Lộ trình giảm dần nợ xấu thế nào để tạo điều kiện giảm lãi suất, bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng trong thời gian tới?”, ông Giàu đặt câu hỏi.

Mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới hàng năm vẫn cao hơn so với giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, đóng cửa, song số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường tăng liên tục trong 5 năm vừa qua khiến ông Giàu khá phân vân. “Doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động nếu là do chính sách, cơ chế chưa hợp lý thì cần phải rà soát để sửa đổi bổ sung; nếu do quy luật tất yếu của thị trường thì cũng phải tìm cách khắc phục”, ông Giàu nhấn mạnh và cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động nhiều là do phải vay với lãi suất quá cao.

Kết quả đạt được giai đoạn vừa qua là tiền đề, cơ sở để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 (Kế hoạch này sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 11). “Diễn biến kinh tế, hoạt động sản xuất - kinh doanh qua 2 tháng đầu năm nay diễn biến bình thường, có nhiều điểm sáng và nhiều khả năng từ nay đến cuối năm không có gì đột biến nên khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% (cao hơn  năm 2015 là 6,68%), nhưng tôi lo là từ năm 2017 trở đi”, TS. Trần Du Lịch, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội e ngại.

Lý do ông Lịch lo ngại là mặt bằng lãi suất sau khi giảm mạnh trong năm 2015 đã bắt đầu xu hướng tăng trở lại. “So với lạm phát thì lãi suất cho vay của ngân hàng quá cao. Năm 2016, rất khó có khả năng mặt bằng lãi suất giảm, nhưng phải cố gắng giữ được mặt bằng lãi suất như năm 2015 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vay vốn, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh”, TS. Trần Du Lịch đề xuất.

Ông Lịch cũng bày tỏ sự quan ngại khi Ngân hàng Nhà nước đang xem xét hạn chế cho vay đối với thị trường bất động sản. “Ngân hàng Nhà nước kiềm chế tín dụng bất động sản trong giai đoạn hiện nay là đúng để tránh cho thị trường này phát triển quá nóng, dễ dẫn đến đổ vỡ, nhưng chỉ nên hạn chế đối với nhà ở cao cấp, còn đối với nhà ở “bình dân” thì nên tiếp tục cho vay. Vì cơ cấu thị trường bất động sản hiện nay không khác gì hãng hàng không thừa vé hạng thương gia trong khi lại thiếu vé hạng phổ thông, đặc biệt là thiếu vé máy bay giá rẻ”, ông Lịch ví von.