Ngành dệt may trước đòi hỏi tái cơ cấu

(BĐT) - Dệt may Việt Nam được coi là trường hợp điển hình hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Quá trình mở cửa, hội nhập đã tạo điều kiện để dệt may trở thành ngành xuất khẩu mũi nhọn...
Bất cập lớn của ngành may mặc nước ta là quá lệ thuộc vào nguồn vải nhập khẩu
Bất cập lớn của ngành may mặc nước ta là quá lệ thuộc vào nguồn vải nhập khẩu

Tuy đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, nhưng vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết để dệt may Việt Nam thực sự “cất cánh”.

Để đi đến “giấc mơ” 50 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam năm 1990 chỉ đạt 55 triệu USD, song nhờ hội nhập, đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu của ngành này đã đạt trên 27 tỷ USD và Việt Nam đứng trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Tuy vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2020 xuất khẩu dệt may đạt 45 - 50 tỷ USD và tầm nhìn đến 2040 đạt 120 - 130 tỷ USD, vẫn còn nhiều việc phải làm.

TS. Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: “Bất cập lớn nhất của ngành dệt may trong chuỗi cung ứng là nguyên, phụ liệu đầu vào mới chỉ đáp ứng được chưa tới 1% trong tổng cầu gần 1 triệu tấn bông, 30% trong tổng cầu 400.000 tấn xơ. Sản lượng sợi toàn ngành đạt trên 1,25 triệu tấn/năm, trong đó 70% xuất khẩu”.

Theo VITAS, một bất cập khác của ngành dệt may nước ta là may xuất khẩu của chúng ta lệ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu, do tình trạng “nút thắt cổ chai” tại công đoạn dệt, nhuộm, tỷ lệ nội địa hóa chỉ khoảng 50%. Phương thức gia công xuất khẩu là chủ yếu (CMT) (65%), phương thức FOB I và FOB II (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) khoảng 25%, ODM 9% và OBM chỉ 1% (sản xuất và tiếp thị bán hàng trực tiếp tại các trung tâm thương mại nước ngoài).                                                                  

Nhiều chuyên gia cho rằng, các FTA thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ tạo ra cú hích mang tính đột phá tiếp theo giúp ngành dệt may Việt Nam tăng tốc. Tuy nhiên, quy tắc xuất xứ của TPP từ sợi trở đi và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) từ vải trở đi đã dẫn đến sự chuyển dịch của các nhà máy sản xuất nguyên liệu may mặc từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nếu như đến hết năm 2012 mới chỉ có 57 dự án với số vốn đăng ký là 191,2 triệu USD, thì gần đây hàng loạt các dự án lớn của nhà đầu tư Trung Quốc được triển khai.

Đáng lưu ý, theo số liệu của VITAS, với tỷ lệ chiếm chưa tới 30% về số lượng doanh nghiệp (DN), nhưng đa số đều là các DN có quy mô lớn, khu vực FDI hiện đang chiếm ưu thế vượt trội so với các DN trong nước. Các dự án FDI đã đi vào hoạt động đang chiếm trên 60% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước. 

Cấp thiết tái cơ cấu ngành dệt may

Các FTA thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ tạo ra cú hích mang tính đột phá tiếp theo giúp ngành dệt may Việt Nam tăng tốc
Việt Nam đang ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với lực lượng lao động dồi dào, rất phù hợp cho phát triển ngành dệt may. Tuy nhiên, để tận dụng được “cú hích” từ các FTA, VITAS cho rằng, ngành dệt may cần được tái cơ cấu.

Đại diện VITAS khẳng định: “Tái cơ cấu ngành dệt may trước hết đến từ yêu cầu nội tại của ngành. Cơ cấu lại ngành dệt may cũng xuất phát từ yêu cầu đáp ứng các quy định về xuất xứ để được hưởng thuế suất ưu đãi 0% của EVFTA, TPP. Cụ thể: Quy tắc xuất xứ chủ đạo của TPP là từ sợi trở đi, của EVFTA là từ vải trở đi. Tuy có một số quy định ngoại lệ trong TPP hay EVFTA, nhưng chúng ta không thể phát triển dựa vào quy định ngoại lệ. Để phát triển bền vững, ngành dệt may buộc phải cơ cấu lại. Tái cơ cấu ngành dệt may nhìn về lâu dài, còn phải từng bước thay đổi tỷ trọng đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của DN trong nước so với DN FDI”.

Trong số các giải pháp để tái cơ cấu ngành dệt may, bên cạnh các giải pháp về mặt chính sách của Nhà nước, về phía các DN trong nước, VITAS khuyến nghị: Các DN mạnh trong nước cần phối hợp triển khai một số dự án lớn tại các trung tâm dệt may của cả nước, hình thành chuỗi liên kết tại mỗi vùng, miền, tạo ra đối trọng giữa DN trong nước và DN FDI về quan hệ lao động, thu nhập, bảo vệ môi trường, nghĩa vụ với Nhà nước, địa phương, người lao động. Đặc biệt, cần chú trọng khâu chuyển giao công nghệ, lồng ghép chương trình đào tạo cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ khi ký hợp đồng mua máy móc, thiết bị.

Tin cùng chuyên mục