Ngành vật liệu xây dựng TP.HCM cần “áo mới”

BĐT- Trước áp lực cạnh tranh cao cùng những bất cập còn tồn tại, việc thay “áo mới” cho ngành vật liệu xây dựng TP.HCM nhằm hướng đến phát triển bền vững là điều cấp thiết trong lúc này.
Sản phẩm ngoại nhập đang lấn át trên thị trường vật liệu xây dựng TP.HCM, với chất lượng vượt trội, giá cạnh tranh. Ảnh: Nhã Chi
Sản phẩm ngoại nhập đang lấn át trên thị trường vật liệu xây dựng TP.HCM, với chất lượng vượt trội, giá cạnh tranh. Ảnh: Nhã Chi

Thiếu chiến lược bền vững

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã thông báo mời thầu gói thầu Tư vấn lập Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) TP.HCM đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đây là động thái mới nhất của Sở Xây dựng nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM hồi tháng 9/2015 về quy hoạch phát triển ngành VLXD, trong đó lưu ý, khi thực hiện các thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng dự án sản xuất và kinh doanh VLXD, phải đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch phát triển ngành VLXD được duyệt theo quy định hiện hành.

Thống kê gần đây cho thấy Thành phố có khoảng 4.900 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, trong đó có hơn 2.300 đơn vị chế biến, sản xuất VLXD và khoảng 4.600 đơn vị kinh doanh VLXD.

Do yêu cầu phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng đô thị hiện đại nên TP.HCM là thị trường tiêu thụ VLXD lớn nhất cả nước hiện nay, với rất nhiều chủng loại VLXD nội địa và nhập khẩu, nhưng cũng yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã, thân thiện môi trường.

Mục tiêu của TP.HCM đến năm 2020 sẽ hoàn tất phương án di dời các nhà máy, trạm nghiền, trạm trộn xi măng ra khỏi trung tâm Thành phố. Các cơ sở sản xuất VLXD sẽ tập trung vào các khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, sẽ bố trí những khu vực dành riêng cho các cửa hàng VLXD tập trung, phát triển thành trung tâm trưng bày, tiêu thụ và trung chuyển VLXD công nghệ mới của khu vực phía Nam.

Thế nhưng, trên thị trường vật liệu xây dựng TP.HCM hiện có sự lấn át của sản phẩm ngoại với chất lượng vượt trội, giá cạnh tranh. Đây chính là thách thức lớn cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD của Thành phố nếu muốn trụ vững.

Các chuyên gia về VLXD tại TP.HCM cho rằng, các doanh nghiệp VLXD nội địa ở TP.HCM còn manh mún, mạnh ai nấy làm, chưa có những chiến lược phát triển dài hạn nên các hoạt động xuất khẩu chưa đạt kết quả cao. Chính những khiếm khuyết về công nghệ nên các sản phẩm VLXD mới, thân thiện môi trường còn khiêm tốn, thua xa sản phẩm của các doanh nghiệp FDI.

Theo kết quả điều tra, khảo sát các cơ sở sản xuất VLXD trên địa bàn Thành phố gần đây, đa phần các doanh nghiệp có trình độ công nghệ sản xuất VLXD chưa tiên tiến, yếu công nghệ, thiếu các giải pháp tổ chức quản lý sản xuất toàn diện.

Hướng đến sản xuất xanh

Cũng theo kết quả khảo sát, các doanh nghiệp VLXD cũng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề nhãn sinh thái, sử dụng nguyên liệu tái chế tái tạo. Nguyên nhân chủ yếu do hạn chế vốn đầu tư, trong khi công nghệ sản xuất từ phế phẩm, nguyên vật liệu tái chế đòi hỏi phức tạp trong khâu sơ chế, định phối liệu....

Chính vì vậy, trong quy hoạch sản xuất VLXD ở Thành phố thì yêu cầu hàng đầu là ưu tiên cho công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, ít tốn năng lượng, nhiên liệu, quy mô hợp lý. Các hình thức đầu tư vào ngành VLXD cần đa dạng hóa để thu hút mọi nguồn lực. Điều này đòi hỏi các sở, ngành của Thành phố cần có những chính sách phù hợp để doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, hướng đến sản xuất VLXD xanh. Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra xuất xứ, chất lượng hàng hóa VLXD. Sở Xây dựng cũng nên đẩy mạnh việc hướng dẫn các chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu thi công xây dựng chủ động trong việc quản lý xuất xứ, chất lượng VLXD sử dụng cho công trình.