Ngành vật liệu xây dựng vẫn “tắc” đầu ra

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nếu như hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực dệt may, da giầy, hóa chất, điện tử… đã phục hồi rõ nét với đơn hàng cải thiện, doanh thu, lợi nhuận tăng, thì khối các DN ngành vật liệu xây dựng vẫn trong tình trạng khó khăn, hàng tồn kho rất lớn.
Giá xi măng tiếp tục giảm để đẩy mạnh tiêu thụ. Ảnh: Nhã Chi
Giá xi măng tiếp tục giảm để đẩy mạnh tiêu thụ. Ảnh: Nhã Chi

Khởi sắc không đồng đều

Theo đánh giá mới nhất của Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại trong tháng 7 tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023. Chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 7 đạt 54,7 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 11/2018 đến nay. Sản lượng tăng mạnh do số đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ 4 liên tiếp.

Theo S&P Global, tốc độ tăng sản lượng trong tháng 7 cao hơn so với tháng 6 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2011. Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 7 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng tới 11,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%).

Nhiều DN cho biết, lượng đơn hàng có nhiều khởi sắc, trong đó, phần lớn DN dệt may hiện đã đủ đơn hàng cho quý III, đơn hàng quý IV đang từng bước được lấp đầy. Cùng với số đơn đặt hàng tăng, đơn giá cũng được cải thiện nhiều, nhất là các đơn hàng FOB...

Tuy vậy, Bộ Công Thương nhấn mạnh, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chưa toàn diện khi còn 6 địa phương có chỉ số IIP giảm; một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành vật liệu xây dựng gặp khó khăn do thị trường bất động sản trong nước tiếp tục trầm lắng và nhu cầu thế giới giảm, cung vượt cầu, đơn hàng trong nước và xuất khẩu đều giảm.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, hiện DN xi măng vẫn rất khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Vì thế, giá bán xi măng tiếp tục giảm, thậm chí có một số sản phẩm DN phải giảm giá bán xuống dưới giá thành để duy trì hoạt động.

Khẳng định thông tin này, ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng Tân Quang cho biết: “Đúng là giá bán xi măng trong nước đang giảm. Nếu như vào tháng 4/2024, bao xi măng 50 kg có giá từ 75.000 - 90.000 đồng thì hiện giảm còn 59.000 - 80.000 đồng/bao, dưới giá thành sản xuất, đã có không ít nhà máy phải tạm đóng cửa nhiều tháng nay”.

Với DN thép, do sức cầu nội địa thấp và xuất khẩu còn nhiều khó khăn, cộng thêm lượng thép cán nhập khẩu giá thấp tràn vào thị trường trong nước khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thêm khó. Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, sản lượng thép cuộn cán nóng quý II/2024 của Tập đoàn giảm 10% so với quý I/2024.

Đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng

Dự báo triển vọng thị trường vật liệu xây dựng những tháng cuối năm 2024, đại diện Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng như một số DN trong ngành đều bày tỏ sự thận trọng. “Thị trường nếu có phục hồi thì cũng “như muối bỏ bể” vì nguồn dư cung xi măng hiện nay rất lớn”, đại diện Công ty CP Xi măng Tân Quang nhận định.

Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam không giấu tâm trạng sốt ruột về tình trạng khó khăn hiện nay của các DN trong ngành. Gần đây, Hội đã có văn bản gửi cơ quan chức năng kiến nghị một số giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng…).

Thứ nhất, Hội kiến nghị Chính phủ tập trung thúc đẩy xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà phục vụ nhu cầu của người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với việc đẩy mạnh Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Giải pháp này sẽ góp phần làm gia tăng sức tiêu thụ vật liệu xây dựng.

Thứ hai, Hội kiến nghị tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng đường giao thông, cụ thể là xây dựng cầu cạn ở những vùng đồng bằng nền đất yếu như Đồng bằng sông Cửu Long, bởi vật liệu này có độ bền và tính ổn định cao, tuổi thọ từ 50 - 100 năm, chi phí duy tu bảo dưỡng thấp… Đồng thời, tăng cường sử dụng vật liệu này để xây dựng các tuyến đường cao tốc, giúp giảm nhập khẩu nhựa đường, tránh tình trạng sụt lún do đắp đất gây tốn kém trong duy tu, bảo dưỡng hàng năm…

Trước tình hình khó khăn về đầu ra cho sản phẩm xi măng, ông Nguyễn Quang Cung cho biết thêm, tháng 3/2024, Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã có báo cáo gửi lãnh đạo Chính phủ, trong đó kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội bãi bỏ thuế xuất khẩu clinker; các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho DN xi măng vay vốn lưu động…

Tin cùng chuyên mục