Một trong những khó khăn của ngành y tế trong thu hút tư nhân tham gia dự án PPP là do nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, đặc biệt là thiếu chuyên gia PPP. Ảnh: Lê Tiên |
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính thuộc Bộ Y tế khi bàn về thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế.
Dần hiện thực hóa chủ trương lớn
Theo ông Nguyễn Nam Liên, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP (NĐ15), Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã tạo một khuôn khổ pháp lý thống nhất và rõ ràng nhằm tạo điều kiện thúc đẩy thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng và dịch vụ công tại Việt Nam.
“Các quy định mới đã mở rộng nhiều lĩnh vực áp dụng PPP, tập hợp nhiều dạng thức hợp đồng dự án PPP, cụ thể hóa sự chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư tư nhân, ưu đãi, đảm bảo đầu tư, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư. Tôi cho rằng về cơ bản đã bảo đảm hấp dẫn các nhà đầu tư” - ông Liên đánh giá.
Về phía Bộ Y tế, ông Liên cho biết, từ năm 2007, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2007/TT-BYT hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết, hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập. Tiếp đó, năm 2014, Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 93/2014/NQ-CP về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế nhằm đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy hợp tác phát triển của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Nhờ những cơ chế, chính sách cởi mở trên, đến nay, ngành y tế đã có nhiều dự án được triển khai và đưa vào hoạt động thành công như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ (quy mô 1.300 giường bệnh với 500 giường bệnh xã hội hoá); Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (1.000 giường bệnh với 500 giường bệnh xã hội hoá); Toà nhà kỹ thuật cao Bệnh viện Việt Đức; Dự án "Khu khám chữa bệnh theo yêu cầu và kỹ thuật cao" của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang... Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai đang cùng một số đối tác nước ngoài nghiên cứu, đề xuất một số dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Thông qua việc thực hiện xã hội hoá, đầu tư theo hình thức PPP, ông Liên cho rằng, các bệnh viện đã có thêm hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, phát triển được các kỹ thuật mới, đặc biệt là một số bệnh viện mới được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao trình độ chuyên môn. Các bệnh viện đã cung ứng nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao và người bệnh đang được hưởng lợi từ các dịch vụ y tế này mang lại. Nhiều kỹ thuật y tế trước đây chỉ có thể thực hiện ở nước ngoài với chi phí rất cao, thì nay, Việt Nam đã có thể thực hiện được với chi phí hợp lý mà nhiều bệnh nhân có điều kiện có thể chi trả được: ghép gan, phẫu thuật tạo hình, thụ tinh trong ống nghiệm,...
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Nam Liên cho rằng, việc thực hiện chủ trương thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như: Còn thiếu quy định pháp lý cụ thể, nguồn nhân lực y tế đang còn thiếu và yếu, các quy định về tự chủ chưa hoàn thiện... Đặc biệt là về nhân lực làm công tác PPP, hiện còn thiếu chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm làm công tác PPP, hạn chế trong việc đề xuất dự án, đàm phán hợp đồng... Việc bố trí vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP y tế cũng rất khó khăn, do nguồn vốn NSNN dành cho ngành y tế mới chỉ đáp ứng chủ yếu cho nhu cầu sửa chữa, nâng cấp để duy trì cơ sở hiện có, một phần đầu tư phát triển mới. Ngoài ra, cơ chế giá dịch vụ y tế, chi trả bảo hiểm y tế còn hạn chế, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế còn thấp, người dân vào khu vực do tư nhân đầu tư thường phải trả phần chênh lệch nên lượng người sử dụng dịch vụ tại các cơ sở này cũng hạn chế.
Để đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới, Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác PPP và đang kiện toàn để thành lập Ban chỉ đạo PPP. Trên cơ sở quy định khung tại NĐ15, Bộ đang tích cực phối hợp với các chuyên gia trong nước, nước ngoài, một số tổ chức quốc tế triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn về thực hiện PPP trong ngành y tế, dự kiến hoàn thành trong năm 2016; đồng thời nghiên cứu, xây dựng các mô hình đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực y tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Để triển khai hiệu quả các dự án PPP trong thời gian tới, ông Liên cho biết, Bộ Y tế tiếp tục xây dựng các hướng dẫn, quy trình thực hiện PPP trong lĩnh vực y tế. Ngành y tế đang nghiên cứu đề xuất một số dự án tiên phong, thí điểm trong ngành như: Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở II, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội cơ sở 2, Khu khám và điều trị kỹ thuật cao Bệnh viện Nội tiết TW - cơ sở Thái Thịnh, Trung tâm Khám và Điều trị trong ngày của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2,...