Ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp tốt xuất hiện tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ số khởi sự kinh doanh tại Việt Nam được đánh giá có nhiều khởi sắc trong thời gian gần đây, một phần là nhờ việc cải thiện mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, để có thể khởi sự thành công và tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19, các doanh nghiệp không thể tự đi một mình, mà cần có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía Chính phủ và hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp tốt xuất hiện tại Việt Nam

Xung quanh vấn đề này, ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội vừa có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu.

Ông đánh giá thế nào về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh tại Việt Nam?

Kinh tế Việt Nam đang có nhiều yếu tố tích cực. Đó là GDP quý IV/2021 tăng trưởng 5,2%, quý I/2022 tăng trưởng 5,0%. Các tổ chức quốc tế cũng dự báo tăng trưởng mức cao từ 5,3 - 6,5%. Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam nới lỏng nhập cảnh, nhờ đó số người công tác đến từ Nhật Bản gia tăng, kinh doanh quốc tế thuận lợi. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) thể hiện sức khỏe hoạt động sản xuất liên tục tăng, từ tháng 10/2021 đã tăng hơn 50 điểm. Thị trường trong nước đang cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách Zero Covid của Trung Quốc. Bởi Trung Quốc là nước đối tác nhập khẩu lớn nhất và là nước xuất khẩu thứ hai của Việt Nam. Trong đó, ngành hàng điện tử, máy móc, máy tính sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

Ông Takeo Nakajima

Ông Takeo Nakajima

Bên cạnh đó, tình hình xung đột Nga - Ukraine làm cho giá năng lượng tăng vọt, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề vận chuyển và lưu thông hàng hóa do tàu container tồn đọng.

Ngoài ra, nguồn cung điện lực bị thắt chặt, do có yêu cầu tiết kiệm điện đối với các khu công nghiệp, trọng tâm là khu vực miền Bắc. Do đó, làm sao để vừa đáp ứng nhu cầu điện ngày càng gia tăng lại vừa đáp ứng yêu cầu cắt giảm khí thải CO2 cũng đang là vấn đề lớn mà các doanh nghiệp quan tâm.

Thách thức của Việt Nam về việc cải thiện môi trường kinh doanh trong mối tương quan về năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực là gì, thưa ông?

Theo khảo sát của JETRO đối với các doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á, hạng mục “rủi ro đầu tư” mà doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam gặp phải nhiều hơn so với các nước ASEAN. Hơn 66% doanh nghiệp trả lời khảo sát phàn nàn về vấn đề “mức tăng lương cao”, tỷ lệ này cao hơn so với Malaysia, Thái Lan, Philippines. Ngoài ra, 56% doanh nghiệp phản hồi “khó khăn trong việc thu mua nguyên vật liệu tại chỗ”, cao hơn Indonesia, Thái Lan và Malaysia.

Cùng với tăng trưởng kinh tế, tăng lương là việc không thể tránh khỏi. Nhưng điều quan trọng là cần nâng cao năng suất lao động theo giờ, tạo ra được giá trị gia tăng và dịch vụ tương ứng với việc gia tăng chi phí. Nếu chỉ tăng chi phí thôi, thì doanh nghiệp có thể có lựa chọn nước khác có chi phí thấp hơn. Chìa khóa để giải quyết các vấn đề này là cung cấp, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm tỷ lệ hàng lỗi, ứng dụng robot và tự động hóa.

Để giải quyết các vấn đề về nội địa hóa, Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề, đưa vào sử dụng các thiết bị hiện đại cho các công ty cũng như thu hút ngành công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn. JETRO cũng tổ chức các triển lãm, hội đàm thương mại nhằm mục đích hỗ trợ việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam khởi sự kinh doanh thành công và tăng trưởng, cần có chất xúc tác gì từ môi trường kinh doanh, thưa ông?

Từ lâu, đã có rất nhiều công ty khởi nghiệp thành công được ra đời từ thung lũng Silicon Mỹ, nhưng bây giờ tình hình đã thay đổi rất nhiều. Các công ty khởi nghiệp có thể ra đời ở bất kỳ đâu trên thế giới và cũng có khả năng tạo ra sự khác biệt lớn.

Theo Báo cáo “Startup genome”, thung lũng Silicon vẫn là hệ sinh thái khởi nghiệp số 1 của thế giới, kế đến là London, New York, Bắc Kinh, TelAvis… Tokyo xếp thứ 9.

Việt Nam đang ngày càng xuất hiện các công ty khởi nghiệp tốt, nhưng hệ sinh thái thì mới đang trong giai đoạn phát triển. Tiêu chí để đo lường sức mạnh của hệ sinh thái là công khai lên sàn chứng khoán (IPO) và được mua (M&A); giá trị tiền tệ thời điểm đó; sự tiếp cận thị trường tiêu dùng; huy động vốn và số lượng nhà đầu tư; hạ tầng, môi trường nghiên cứu và phát triển; nguồn nhân lực; bảo vệ và sử dụng quyền sở hữu trí tuệ…

Do đó, để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam khởi sự kinh doanh thành công và tăng trưởng, cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ như: cách thức huy động vốn, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trợ cấp và các chương trình tài trợ, mở rộng và cải thiện môi trường nghiên cứu và phát triển…

Với mạng lưới văn phòng trải rộng trong và ngoài nước, JETRO đang hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp Nhật Bản triển khai đầu tư ra nước ngoài, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Nhật Bản. Về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, chúng tôi chú trọng vào cung cấp “địa điểm” và “cơ hội”. Giúp các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi thông tin, giải quyết thắc mắc và đưa ra những quyết định đúng đắn. Chúng tôi cũng đã tìm ra được hơn 100 công ty khởi nghiệp của Việt Nam có năng lực, thông qua website và các cuộc hội đàm để giới thiệu họ tới các doanh nghiệp Nhật Bản. Ngoài ra, JETRO cũng biên soạn và phát hành “tài liệu hướng dẫn” liên quan đến các vấn đề về mặt thủ tục, cũng như pháp lý đối với việc hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.

Thực tế đã có một vài mô hình hợp tác thành công, mô hình tiên tiến giữa Nhật Bản và Việt Nam thông qua sự trợ giúp của JETRO. Ví dụ như nền tảng chăm sóc và quản lý sức khỏe trong lĩnh vực y tế của Sumitomo Shoji và Insmart; hệ thống vận hành xe buýt tiên tiến của hãng dịch vụ vận tải lớn Willer Nhật Bản và hãng taxi Mai Linh Việt Nam; thử nghiệm trình diễn lái xe tự hành của Nippon Koei và PhenikaaX Việt Nam... Tôi nghĩ sẽ ngày càng có nhiều mô hình hợp tác như vậy.

Tin cùng chuyên mục