Người dân chung cư cũ Hà Nội sống ở đâu trong thời gian nhà được cải tạo?

0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện cải tạo chung cư cũ. Trong đó có đề cập về việc tạo lập quỹ nhà ở tạm thời (tạm cư).
Nhiều khu chung cư nằm giữa nội đô đã được ví như "khu ổ chuột" vì điều kiện sinh hoạt quá tồn tàn, thiếu thốn
Nhiều khu chung cư nằm giữa nội đô đã được ví như "khu ổ chuột" vì điều kiện sinh hoạt quá tồn tàn, thiếu thốn

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Quyết định số 5289 về việc ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tại Đề án này, Hà Nội đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện cải tạo chung cư cũ. Trong đó nêu rõ về việc tạo lập quỹ nhà ở tạm thời (tạm cư).

Theo đó, việc bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu trong thời gian thực hiện cải tạo xây dựng lại nhà chung cư phải được xác định rõ trong phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhà ở tạm thời tuân thủ quy định tại Điều 23 Nghị định 69 của Chính phủ.

Trên cơ sở kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, quy định tại Nghị định 69, Hà Nội lập kế hoạch tạo lập quỹ nhà ở tạm thời (có thể nghiên cứu, xây dựng trong Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ để triển khai đảm bảo tính đồng bộ) theo các phương thức như:

Sử dụng các quỹ nhà tái định cư có sẵn của Thành phố; Đầu tư xây dựng mới bằng vốn từ ngân sách hoặc từ quỹ đầu tư phát triển Thành phố làm nhà ở tạm thời phục vụ GPMB dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Đề án cho biết dự kiến đầu tư xây dựng tại 5 khu đất đã hoàn thành và đang triển khai công tác GPMB: Khu đất xây dựng nhà ở tái định cư phục vụ GPMB khu di dân Đền Lừ III tại nhà CT4, CT5 quận Hoàng Mai; Khu đất 5.B1 khu Đông Hội, huyện Đông Anh; Khu đất tại điểm X1. phường Phú Thượng quận Tây Hồ; Khu đất tại X2 Kim Chung, Đông Anh.

Đồng thời, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát các quỹ đất có khả năng đầu tư trên địa bàn Thành phố để làm quỹ nhà ở tạm thời; mua nhà ở thương mại làm nhà ở tạm thời; tuân thủ các hình thức tạo lập nhà ở tạm thời theo quy định tại Nghị định 69.

Đề án cũng đưa ra các quy định các hình thức sẽ tái định cư như: Khi tại địa điểm cũ không xây dựng nhà chung cư mà xây dựng công trình khác; Quy định đối với các chủ sở hữu tầng 1 có diện tích nhà kinh doanh; quy định các trường hợp chủ sở hữu không có nhu cầu tái định cư tái chỗ, quy định đối với trường hợp nhà riêng lẻ; quy định đối với nhà ở, công trình xây dựng thuộc sở hữu nhà nước; quy định đối với trụ sở, nhà làm việc và các công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức.

Đề án cũng cho biết việc lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó dự kiến lựa chọn 6 khu có tính khả thi cao như Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D như Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp.

Theo thống kê đến năm 2020, trên địa bàn TP có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ - nhiều nhất cả nước. Đến nay con số này vẫn đang được tiếp tục rà soát, cập nhật và có thể tăng lên.

Các nhà chung cư cũ này chủ yếu tập trung ở các quận nội thành, quy mô thường từ 2 đến 6 tầng, ngoài ra còn có một số chung cư đơn lẻ phân bố rải rác trên địa bàn các quận trung tâm.

Theo UBND TP Hà Nội, hầu hết nhà chung cũ này đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp, hư hỏng, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân. Do vậy cần thiết phải kiểm định, đồng thời có kế hoạch đầu tư xây dựng lại.

Tin cùng chuyên mục