Nguồn lực tài chính nào cho Quy hoạch tổng thể quốc gia?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 vừa được Hội đồng thẩm định thông qua với dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới. Nếu được Quốc hội thông qua, nguồn lực để thực hiện Quy hoạch sẽ là rất lớn và giải pháp tìm nguồn lực là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Khai thác vốn từ đất đai là một trong những giải pháp tạo nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia. Ảnh: Lê Tiên
Khai thác vốn từ đất đai là một trong những giải pháp tạo nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia. Ảnh: Lê Tiên

QHTTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được xây dựng với một trong những mục tiêu lớn nhất là phân bổ lại không gian phát triển quốc gia. Do nguồn lực phát triển có hạn, nên Báo cáo Quy hoạch dự kiến sẽ ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số vùng có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học - công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có. Các khu vực này sẽ phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo những vùng khác cùng phát triển, để đến giai đoạn sau năm 2030 sẽ dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương.

Vì lẽ đó, hai trong số nhiệm vụ trọng tâm của QHTTQG là tập trung phát triển vùng động lực tăng trưởng và cực tăng trưởng, đồng thời phát triển bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia. Báo cáo Quy hoạch cũng đưa ra các giải pháp về vốn, phát triển nguồn nhân lực, môi trường, khoa học - công nghệ để tạo nguồn lực thực hiện Quy hoạch và các chương trình dự án quan trọng quốc gia.

Bàn về các giải pháp tạo nguồn lực để thực hiện Quy hoạch, theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, giải pháp khoa học - công nghệ sẽ là một trong những giải pháp cơ bản để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, vươn lên thành một quốc gia công nghiệp có thu nhập cao vào năm 2045. Theo kinh nghiệm của một số nước công nghiệp phát triển (Nhật Bản) và công nghiệp mới (Hàn Quốc, Singapore) gần Việt Nam, các quốc gia này đang tạo động lực phát triển từ nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với công nghệ và vốn phát triển, trong đó, vốn phát triển được tạo ra qua quá trình vốn hóa đất đai.

GS.TS Đặng Hùng Võ phân tích, đất đai có một đặc điểm khác so với các tài nguyên thiên nhiên khác là có thể sử dụng vô thời hạn và giá trị ngày càng tăng. Do đó, khai thác vốn từ đất đai là một “nghệ thuật” để phát triển, có thể xây dựng sắc thuế sử dụng đất hợp lý như một nguồn thu bền vững cho ngân sách, giải pháp thu giá trị tăng thêm từ đất đai do đầu tư của nhà nước mang lại và giải pháp thế chấp bằng giá trị quyền sử dụng đất của các tổ chức tín dụng. Làm tốt được việc này, Việt Nam sẽ đủ vốn đầu tư trong nước, không phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. “Chúng ta hoàn toàn có thể chọn lọc các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài sao cho có lợi cho Việt Nam về mặt phát triển công nghệ”, ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Đặng Hùng Võ cho biết, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một giải pháp quan trọng như kinh nghiệm của một số quốc gia công nghiệp đã chỉ ra.

Theo UBND TP.HCM, để tập trung nguồn lực thực hiện quy hoạch và các dự án quan trọng quốc gia, ngoài việc đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng thì cần có kế hoạch đầu tư phát triển một số đô thị lớn, đô thị động lực (như TP. Thủ Đức) nhằm hướng tới phát triển đô thị kiểu mẫu, văn minh, hiện đại… Từ đó, nhân rộng thành mô hình phát triển đô thị trong quá trình thực hiện ở các giai đoạn quy hoạch.

Đồng thời, cần xem xét nghiên cứu nguồn lực cho các khu vực quan trọng, tiềm năng để “kéo” các khu vực lân cận phát triển, tránh đầu tư dàn trải ở các khu vực không phát huy hiệu quả. Nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù để địa phương, khu vực tận dụng nguồn lực sẵn có, giảm bớt nguồn ngân sách nhà nước.

Khi tham vấn các tổ chức quốc tế về Dự thảo Báo cáo Quy hoạch, Công ty TNHH PwC (Việt Nam) đề xuất nhiều giải pháp để huy động vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn từ khu vực tư nhân để thực hiện quy hoạch.

Ông Lê Anh Tú, Giám đốc Dịch vụ tư vấn doanh nghiệp thuộc Công ty TNHH PwC (Việt Nam) cho biết, Báo cáo Quy hoạch dự kiến huy động vốn từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư đến năm 2030. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần có một số thay đổi quan trọng, đặc biệt là từ chính sách, quy hoạch, sắp xếp thể chế, thực hiện và quản lý các dự án theo phương thức PPP để thu hút tư nhân tham gia đầu tư.

Ngoài ra, ông Tú khuyến nghị, có thể tính đến các công cụ tài chính sáng tạo như tín chỉ các-bon và công cụ thu hồi giá trị từ đất đang được áp dụng trên thế giới nhưng chưa được khai thác ở Việt Nam. Chuyên gia PwC cho rằng, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý và các chính sách để phát triển các công cụ này. Đây là một trong các giải pháp huy động vốn còn nhiều tiềm năng tại Việt Nam. Các công cụ này cung cấp nguồn thu bổ sung để có thể cải thiện khả năng tài chính của các dự án do khu vực tư nhân tài trợ.

Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch sau khi được Hội đồng Thẩm định QHTTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thông qua cách đây ít ngày, để kịp trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 10 tới.

Tin cùng chuyên mục