Ngưỡng nợ thuế nào bị hoãn xuất cảnh?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cá nhân có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên, người đại diện doanh nghiệp có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày từ 100 triệu đồng trở lên thuộc diện bị tạm hoãn xuất cảnh. Đề xuất mới này của Bộ Tài chính nhận được nhiều ý kiến trái chiều do chưa đưa ra căn cứ xác định ngưỡng nợ và thời gian nợ. Mặt khác, có ý kiến cho rằng cần xem xét các trường hợp nợ thuế do quá khó khăn nhưng cần xuất cảnh để tìm cơ hội kinh doanh.
Việc tạm hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp được áp dụng để nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế. Ảnh minh họa: Như Hà
Việc tạm hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp được áp dụng để nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế. Ảnh minh họa: Như Hà

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Nghị định quy định chi tiết khoản 9 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính (gọi tắt là Dự thảo).

Trong đó, Ban soạn thảo đề xuất các trường hợp áp dụng ngưỡng nợ và thời gian nợ đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh gồm: cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên; cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày từ 100 triệu đồng trở lên; cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Dự thảo cũng quy định, cơ quan quản lý thuế thông báo cho người nộp thuế thuộc các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh như trên về việc sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử. Trường hợp không gửi được thông báo bằng phương thức điện tử thì cơ quan quản lý thuế thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.

Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế ban hành văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện tạm hoãn xuất cảnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, việc đưa ra con số cụ thể mà thiếu lý giải về cơ sở tính toán là chưa thuyết phục. Việc tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một trong những biện pháp được áp dụng để nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế. Thực tế, nợ ít mà chây ì cũng là thiếu ý thức tuân thủ chứ không nhất thiết phải nợ lớn. Do đó, khó có thể đánh giá mức cao thấp của ngưỡng nợ thuế. Ban soạn thảo cần đưa ra căn cứ tính toán con số này cùng với quy định về việc điều chỉnh ngưỡng này theo bối cảnh mới của tình hình kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, mức quy định về ngưỡng nợ thuế và thời gian nợ thuế như trên là phù hợp. Lý do là, pháp luật về quản lý thuế quy định cơ quan thuế bắt đầu áp dụng các biện pháp cưỡng chế với các trường hợp nợ thuế quá 90 ngày, việc nới thêm 30 ngày so với thời hạn cưỡng chế này là phù hợp để người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ. Về số nợ thuế, mức 10 triệu đồng với cá nhân và 100 triệu đồng với đại diện tổ chức là phù hợp với bối cảnh hiện nay. Nếu hàng nghìn doanh nghiệp và cá nhân nợ thuế ở mức này thì ngân sách nhà nước đứng trước rủi ro thất thu thuế đáng kể.

Ở khía cạnh khác, theo ông Được, việc quy định “cứng” ngưỡng nợ thuế của trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh không ảnh hưởng đến quyền lợi của người nộp thuế, song cần quy định có thể điều chỉnh khi các điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, trong đó bao gồm cả việc giảm ngưỡng này nếu tình trạng chây ì và thất thu thuế tăng. Tuy nhiên, với các trường hợp quá khó khăn dẫn đến nợ thuế thì có thể xem xét gia hạn và tính đến giải pháp cho phép xuất cảnh để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, từ đó có nguồn trả nợ.

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế 2019, 7 biện pháp cưỡng chế tiền thuế nợ bao gồm: trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản của người nộp thuế mở tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; đề nghị cơ quan hải quan cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; ngừng sử dụng hóa đơn; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục