Nguy cơ nhiều dự án truyền tải điện tiếp tục lỗi hẹn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài… là những nguyên nhân chính khiến nhiều dự án truyền tải điện trọng điểm quốc gia tiếp tục có nguy cơ không thể “về đích” đúng hẹn.
Vướng mắc về mặt bằng có thể khiến nhiều dự án truyền tải điện chậm tiến độ, gây tổn thất không nhỏ. Ảnh minh họa: Ngọc Hà
Vướng mắc về mặt bằng có thể khiến nhiều dự án truyền tải điện chậm tiến độ, gây tổn thất không nhỏ. Ảnh minh họa: Ngọc Hà

Sau 2 lần lỗi hẹn, Dự án Đường dây 500kV mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2) dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, theo thông tin từ Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) - đơn vị quản lý Dự án, việc hoàn thành Dự án vào thời gian trên là khó khả thi. Đến thời điểm này, việc triển khai Dự án vẫn đang gặp nhiều thách thức cho dù phần lớn khối lượng đã hoàn thành.

Cụ thể, theo CPMB, hiện 2 trong số 3 đoạn thành phần thuộc Dự án là đoạn Quảng Trạch đi Vũng Áng và đoạn Quảng Trạch đi Dốc Sỏi đang gặp nút thắt về mặt bằng tại tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Nam chưa được tháo gỡ.

“Đối với đoạn Quảng Trạch đi Vũng Áng, dù tỉnh Hà Tĩnh đã quyết liệt giải quyết các chế độ chính sách đối với người dân nơi Dự án đi qua (kể cả làm việc vào ngày lễ 2/9) nhưng người dân vẫn chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng cho Dự án. Trước tình hình này, CPMB đang tổng hợp để báo cáo tìm hướng giải quyết”, đại diện CPMB chia sẻ. Tại Quảng Nam, CPMB cũng đang dồn lực để tháo gỡ vướng mắc mặt bằng.

Bên cạnh vướng mắc về mặt bằng, CPMB cho hay, diễn biến phức tạp và kéo dài của đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án điện, trong đó có các dự án truyền tải điện. Để chống dịch Covid-19, một số địa phương đã áp dụng Chỉ thị 16, việc đi lại của lao động cũng như vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ thi công trên công trường đều gặp khó khăn.

Tương tự, Dự án Đường dây 500kV Tây Hà Nội - Thường Tín, một trong những công trình trọng điểm có tính cấp bách nhằm giải bài toán cung cấp điện cho Hà Nội, theo kế hoạch được hoàn thành vào tháng 3/2020, nhưng đến nay vẫn chưa thể “về đích”. Điều đáng nói, nếu công trình không hoàn thành trong năm 2021, thì năm 2022, Hà Nội sẽ có nguy cơ thiếu điện, đặc biệt là phía Tây Thành phố. Đại diện Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) - đơn vị quản lý Dự án - chia sẻ, nguyên nhân chủ yếu khiến Dự án chưa thể “về đích” là do “tắc” khâu mặt bằng phục vụ thi công. Để tháo gỡ, tại cuộc họp do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) tổ chức tháng 7/2021, một loạt giải pháp được đưa ra nhằm mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành, nghiệm thu đóng điện Dự án vào quý III/2021.

Tuy nhiên, chia sẻ với Báo Đấu thầu ngày 10/9, ông Phạm Xuân Hường, Trưởng Ban Truyền thông EVNNPT cho biết: “Trong khi chưa kịp triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc mặt bằng, TP. Hà Nội lại phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nên những khó khăn, vướng mắc đó chưa được giải quyết”.

Một dự án truyền tải điện quan trọng khác là Dự án Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân cũng đang đứng trước áp lực lớn phải hoàn thành với mốc thời gian không chậm hơn tháng 12/2022 để nhận điện từ Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư. Theo hợp đồng đã ký với nhà đầu tư BOT Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1, nếu Dự án chậm tiến độ, phía Việt Nam phải bồi thường số tiền 23 tỷ đồng/ngày. Nếu chậm tiến độ 6 tháng, số tiền phía Việt Nam phải bồi thường khoảng 5.000 tỷ đồng. Nếu quá 6 tháng, hợp đồng BOT Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 sẽ bị chấm dứt sớm và Chính phủ Việt Nam phải mua lại Nhà máy. Trong khi đó, CPMB cho biết, Dự án cũng đang gặp vướng mắc về mặt bằng (mới bàn giao mặt bằng 52/172 vị trí móng cột) cũng như chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19…

Trước tình hình này, ông Phạm Xuân Hường cho biết, EVNNPT đang thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải điện. Tổng công ty đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, ban quản lý dự án chủ động bám sát đôn đốc, phối hợp với các địa phương để tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng. Lãnh đạo EVNNPT liên tục rà soát, xuống từng dự án tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ, đưa các dự án về đích theo cam kết…

Tin cùng chuyên mục