Dự án BT ký hợp đồng trước 1/1/2018 chủ yếu là chỉ định thầu nên cần rà soát lại, nhưng khi rà soát xong thì phải có hướng xử lý dứt điểm. Ảnh: Lê Tiên |
Đến nay, dù Nghị định hướng dẫn việc thanh toán cho dự án BT đã ban hành, có hiệu lực hơn nửa năm, nhưng theo một số phản ánh, nhiều dự án vẫn án binh bất động, có thể gây thiệt hại cho cả nhà đầu tư và Nhà nước.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Đến tháng 3/2018, Bộ Tài chính có Công văn số 3515/BTC-QLCS (CV3515) gửi các bộ, ngành, địa phương về xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành.
Sau CV3515, nhiều địa phương gần như đã dừng việc thanh toán cho dự án BT dù hợp đồng đã ký kết, thậm chí đã thi công được phần lớn công trình BT trước ngày 1/1/2018.
Ngoài ra, ở thời điểm này các hợp đồng dự án cũng dừng để rà soát lại theo Nghị quyết 160/NQ-CP ngày 28/1/2018 của Chính phủ, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm.
Một năm rưỡi sau, ngày 15/8/2019 Nghị định số 69/2019/NĐ-CP (NĐ69) quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT được ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/10/2019.
Ngay khi NĐ69 vừa ban hành, nhiều ý kiến đánh giá cao quy định xử lý chuyển tiếp theo tinh thần không hồi tố tại Nghị định là “đối với các hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đã được ký kết theo đúng quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư, thì tiếp tục thực hiện việc thanh toán theo nội dung hợp đồng BT đã ký kết”.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ phụ trách vấn đề liên quan đến dự án BT của nhiều sở kế hoạch và đầu tư cũng như một số nhà đầu tư đã chia sẻ lo lắng. Đó là, NĐ69 tuy đã quy định dự án ký kết hợp đồng trước 1/1/2018 thì thực hiện theo hợp đồng, nhưng đồng thời lại quy định thêm: “Trường hợp các nội dung liên quan đến việc thanh toán chưa được quy định rõ trong hợp đồng BT thì áp dụng các quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và pháp luật có liên quan có hiệu lực tại thời điểm thanh toán” và một số yêu cầu thanh toán khác… Theo các cán bộ này, quy định này có thể gây lúng túng trong thực hiện, phát sinh tâm lý e dè, chần chừ trong thực hiện.
Thực tế cho đến nay, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhiều dự án BT đã được ký kết trước ngày 1/1/2018, đã hoàn thành xây dựng, được nghiệm thu đưa vào sử dụng hoặc đã hoàn thành phần lớn khối lượng công trình và đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, rà soát và kết luận đủ điều kiện thanh toán theo thỏa thuận tại hợp đồng BT, nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán, với lý do chờ hướng dẫn thực hiện. Việc chậm thanh toán này khiến doanh nghiệp thiệt hại lớn vì bị chôn vốn, tăng chi phí tài chính, chi phí quản lý…
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Khoản 1 Điều 17 NĐ69 để giải quyết vướng mắc này, giúp cho nhà đầu tư được thanh toán theo hợp đồng BT đã ký.
Một nhà đầu tư đã thực hiện công trình BT cũng chia sẻ, hợp đồng BT được ký giữa họ và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cơ bản đảm bảo các quy định của pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng, nhà đầu tư đã đổ nhiều vốn vào xây dựng công trình BT. Nguồn kinh phí này chủ yếu là vay từ ngân hàng thương mại. Đến nay, dự án BT đã hoàn thành nhưng không thể bàn giao được, dẫn đến nhà đầu tư không được thanh toán. Nguyên nhân, theo nhà đầu tư, là do sự thay đổi về nhân sự trong bộ máy quản lý, nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật dẫn đến cán bộ kế nhiệm không dám quyết. Nhà đầu tư cho rằng những vấn đề này là chuyện thuộc về Nhà nước, sai đâu sửa đó, nhưng dường như nhà đầu tư phải gánh thiệt hại hoàn toàn, phương án tài chính trong hồ sơ đề xuất dự án cũng như hợp đồng BT đã ký không còn tính khả thi.
Theo một chuyên gia về PPP, các dự án BT ký hợp đồng trước 1/1/2018 chủ yếu là chỉ định thầu nên việc rà soát lại là cần thiết, tuy nhiên sau khi rà soát xong thì phải có hướng xử lý dứt điểm, không thể cứ để treo mãi, dẫn đến thiệt hại cho nhà đầu tư và cả Nhà nước. Bởi vì theo quy định khoản lãi vay trong phương án tài chính của hợp đồng BT chấm dứt kể từ ngày UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất. Việc chậm giao đất sẽ làm tăng chi phí dự án, từ đó gây thiệt hại cho Nhà nước. Ngoài ra, việc hợp đồng không được tuân thủ có thể ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư, vào các dự án hạ tầng hợp tác với Nhà nước.