Nhà đầu tư điện tái tạo: Đề xuất phát điện tạm thời với giá bằng 50%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xót xa khi dự án điện gió có tổng mức đầu tư cả nghìn tỷ đồng đã hoàn thành nhưng vẫn “đứng im” phơi sương, phơi nắng gần 2 năm qua, Công ty CP Điện gió Nam Bình vừa có văn bản xin được phát điện tạm thời trong khi chờ đàm phán giá, với mức giá bằng 50% khung giá cho nhà máy điện gió trong đất liền. Đây là một giải pháp có thể giúp nhà đầu tư các dự án điện tái tạo chuyển tiếp tạm thời bớt khó.
Nhiều dự án điện gió chuyển tiếp “bất động” gần 2 năm chờ đàm phán giá điện. Ảnh: Văn Cường
Nhiều dự án điện gió chuyển tiếp “bất động” gần 2 năm chờ đàm phán giá điện. Ảnh: Văn Cường

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Công ty CP Điện gió Nam Bình - Chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Nam Bình 1 cho biết, doanh nghiệp (DN) vừa có công văn gửi Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Mua bán điện đề xuất cho phép Nhà máy Điện gió Nam Bình 1 (xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) được đưa vào vận hành thương mại tạm thời, ghi nhận sản lượng điện và thanh toán theo mức giá bằng 50% khung giá cho nhà máy điện gió trong đất liền (được ban hành theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 19/1/2023 của Bộ Công Thương), trong thời gian thỏa thuận, đàm phán giá phát điện với EVN.

Theo khung giá được Bộ Công Thương ban hành tại Quyết định 21/QĐ-BCT, giá phát điện cho nhà máy điện gió trong đất liền là hơn 1.587 đồng/kWh. Mức giá tạm thời mà Chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Nam Bình yêu cầu chỉ 50%, tức là chưa tới 800 đồng/kWh.

“Đây là phương án mà DN buộc phải đề xuất thực hiện để bớt khó khăn lúc này, bởi Dự án dù đã hoàn thành nhưng phải đứng bất động suốt gần 2 năm qua mà chưa mang lại hiệu quả tài chính. Trong khi đó, để đàm phán được giá phát điện cần có thời gian…”, đại diện DN xót xa.

Dự án Nhà máy Điện gió Nam Bình 1 có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó 80% là vốn vay ngân hàng. Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thời tiết bất lợi dẫn đến chưa hoàn thành các mức thử nghiệm, Nhà máy không được hưởng giá ưu đãi (giá FIT) kết thúc vào ngày 31/10/2021, dù toàn bộ Nhà máy đã được đóng điện (9/9 tuabin) từ ngày 28/10/2021, công suất 30 MW. Ngày 29/10/2021, Dự án cũng được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương thông báo về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng.

Từ ngày 1/11/2021 đến nay, hàng tháng, Chủ đầu tư phải duy trì hoạt động quản lý vận hành như một dự án đã phát điện chính thức, phải trả nợ gốc và lãi vay với số tiền vượt khả năng chi trả do Dự án không có nguồn thu. “DN đang phải đối diện với nguy cơ phá vỡ phương án kinh doanh, thua lỗ dẫn tới khả năng phá sản”, Công ty CP Điện gió Nam Bình nêu trong văn bản.

Trước đề xuất của Điện gió Nam Bình, TS. Hoàng Giang, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng tái tạo tỉnh Bến Tre bày tỏ: “Rất thông cảm với các dự án điện tái tạo đã hoàn thành mà không thể bán điện, buộc nhà đầu tư phải chấp nhận bất cứ giá nào để có doanh thu”. Ông Giang nhìn nhận, đây là một giải pháp các nhà đầu tư điện tái tạo chuyển tiếp có thể xem xét vào lúc này để duy trì sự tồn tại trong lúc chờ đàm phán giá điện.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời tỉnh Bình Thuận cho rằng, đây là một “lối thoát” cho nhà đầu tư dự án điện tái tạo chuyển tiếp đã hoàn thành xây dựng, bởi nếu cứ chờ đàm phán giá, để nhà máy “đứng im” phơi sương, phơi gió, không có doanh thu thì thiệt hại càng lớn. Theo ông Thịnh, việc ký kết hợp đồng mua bán điện thường cần thời gian khá dài.

Trong văn bản kiến nghị về việc khắc phục những bất cập trong xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp do 36 nhà đầu tư lĩnh vực này gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, các nhà đầu tư cho biết, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, có 84 dự án điện tái tạo với công suất 4.676,62 MW đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Điều này làm cho các dự án không kịp hưởng giá FIT như quy định tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg.

Sau thời gian dài chờ đợi, chính sách áp dụng cho các dự án điện chuyển tiếp lại khiến nhà đầu tư lo lắng và quan ngại sâu sắc. Theo thông tin từ EVN, đến hết ngày 31/3/2023, chỉ có 6 hồ sơ được các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp nộp tới Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn, song chưa đủ điều kiện để bước vào vòng đàm phán hợp đồng mua bán điện (do nhiều tài liệu của hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu).

Các nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về hợp đồng mua bán điện cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp; đồng thời cho phép huy động công suất các nhà máy đã hoàn tất xây dựng. Việc cho phép huy động công suất không chỉ đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư năng lượng tái tạo đã phải chờ đợi chính sách trong thời gian dài, mà còn tránh việc lãng phí tài nguyên điện sạch, nguồn lực đầu tư cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Tin cùng chuyên mục