Nhà đầu tư là chủ lực chỉnh trang đô thị TP.HCM

(BĐT) - “Doanh nghiệp (DN) có vai trò rất quan trọng, đồng hành cùng TP.HCM trong chương trình chỉnh trang đô thị. DN cũng được Thành phố trao rất nhiều niềm tin để nhập cuộc vào các dự án cải tạo chung cư cũ và dự án di dời 20.000 hộ dân ven kênh dù hiện nay còn quá nhiều khó khăn”. 
TP.HCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia các dự án chỉnh trang đô thị. Ảnh: Lê Tiên
TP.HCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia các dự án chỉnh trang đô thị. Ảnh: Lê Tiên

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn chia sẻ như vậy tại Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền Thành phố về “Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị”.

Thủ tục phiền hà nhà đầu tư

Hội nghị được tổ chức để giúp giải đáp các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn liên quan đến lĩnh vực quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị (cấp phép xây dựng, nhà ở và thị trường bất động sản, quản lý chất lượng công trình xây dựng, vật liệu xây dựng, quản lý và vận hành nhà chung cư, năng lực hoạt động xây dựng, xử lý vi phạm về xây dựng).

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong năm 2016, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng đã tăng gấp đôi, không có sự cố lớn tại các công trình xây dựng, hồ sơ khiếu nại có dấu hiệu giảm, vi phạm trật tự xây dựng cũng giảm nhiều so với năm 2015. TP.HCM đã triển khai tháo dỡ được 32 chung cư cũ với quy mô 207.000 m2 và tổ chức di dời 4.232 hộ dân. Ngoài ra cũng kêu gọi đầu tư được 39 chung cư với quy mô 470.000 m2 để tái định cư cho người dân.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này. Trong đó, điểm khiến nhà đầu tư cũng như Thành phố lo ngại nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó là những khó khăn liên quan đến hồ sơ pháp lý nhà đất và diện tích căn hộ chung cư cũ nhỏ nên khó bố trí tái định cư. Khó khăn này dẫn tới thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài. Cá biệt, có dự án kéo dài công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tới hàng chục năm.

Thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản mất nhiều thời gian cũng là rào cản lớn đối với các DN. Theo đánh giá của các DN, thủ tục đầu  tư cho một công trình từ lúc bắt đầu tới khi được khởi công xây dựng mất quá nhiều thời gian, từ 18 đến 25 tháng. Lãnh đạo Công ty Đức Khải cho biết, có những dự án vì thiếu sự đồng lòng đã kéo dài 16 năm chưa cải tạo xây mới được. Những vướng mắc nêu trên gây thiệt hại rất lớn cho DN.

Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành, ông Lê Hữu Nghĩa, cho biết, bài toán đầu tư nan giải cũng làm chùn bước nhiều nhà đầu tư. DN này cho biết, cùng một số vốn, đầu tư chung cư cũ không chỉ không hiệu quả bằng triển khai dự án mới, mà còn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, ngoài khả năng giải quyết của nhà đầu tư. “Chi phí đầu tư vào đất ở khu chung cư cũ rất cao, hiệu số sử dụng đất gần như không đổi, áp lực lên nhà đầu tư là rất lớn”, ông Nghĩa nhận định. 

Phải ghi điểm với nhà đầu tư

Ghi nhận những ý kiến của DN trong việc đầu tư vào chung cư cũ, TP.HCM cho biết sẽ có những điều chỉnh để không làm nản lòng các nhà đầu tư. Theo đó, kế hoạch di dời 20.000 hộ dân sống ven kênh rạch của TP.HCM với nhiều dự án được lãnh đạo Thành phố xác định sẽ là “điểm” để lấy lòng nhà đầu tư.

Ông Trần Trọng Tuấn khẳng định, có nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan tâm đến các dự án này. Ví dụ như Công ty CP Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn muốn tham gia Dự án Tái định cư các hộ sống trên và ven bờ Nam Kênh Đôi ở Quận 8 nhằm chỉnh trang đô thị theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) với tổng số vốn lên đến gần 9.300 tỷ đồng; Công ty Hà Nội Ngàn Năm xin thực hiện Dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm quận Bình Thạnh với số vốn hơn 5.000 tỷ đồng… TP.HCM rất mong muốn hỗ trợ cho các nhà đầu tư để triển khai thuận lợi các dự án. Thành phố đã và đang đề xuất với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng có những hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt quy trình, thủ tục đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để tạo điều kiện tốt nhất cho các DN nhanh chóng triển khai kế hoạch di dời.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM nhận xét: “Sự ủng hộ của các nhà đầu tư vào nhiều dự án cải tạo chung cư cũ đã giúp TP.HCM đẩy nhanh kế hoạch chỉnh trang đô thị. Rút kinh nghiệm từ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình đầu tư tại các dự án này, TP.HCM sẽ có những giải pháp điều chỉnh cần thiết, kịp thời để cả nhà đầu tư lẫn người dân đồng thời nhận được nhiều hỗ trợ hơn, hiệu quả hơn tại các dự án di dời 20.000 hộ dân ven kênh rạch. Sự thành công của nhà đầu tư trong các dự án này cũng là thành công của Thành phố”.