Nhà đầu tư lạc quan về kinh tế Việt Nam

(BĐT) - Với những thay đổi, chuyển dịch trong chính sách điều hành, coi kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng, môi trường kinh doanh ngày càng hấp dẫn, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam sẽ tiếp tục là địa điểm đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là với các nhà đầu tư Nhật Bản. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam sẽ tiếp tục là địa điểm đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là với các nhà đầu tư Nhật Bản. Ảnh: Lê Tiên

Sức hút mới

Tại Diễn đàn Hà Nội do Nikkei Asean Review tổ chức với chủ đề: “Đánh giá triển vọng tăng trưởng và thiết kế chính sách cho giai đoạn tới” diễn ra ngày 15/11, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư bày tỏ sự lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Theo ông Shosuke Mori, Giám đốc bộ phận ngân hàng quốc tế MSBC, trong 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn trên 5%, GDP trên đầu người liên tục tăng, cơ cấu ngành kinh tế có sự dịch chuyển mạnh mẽ, đẩy mạnh xuất khẩu và tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu… Bước phát triển này khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản.

Ông Shosuke Mori cho biết: “Có 6 lý do khiến các nhà đầu tư Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Đó là Việt Nam có dân số đông, người lao động chăm chỉ, vị thế địa chính trị thuận lợi, môi trường kinh doanh cởi mở, tương đồng văn hóa và đặc biệt là môi trường kinh tế và chính trị ổn định”. Những lợi thế này cùng với những nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ, chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục là địa điểm đầu tư hấp dẫn.

Đề cập về sức hấp dẫn của thị trường vốn Việt Nam trước nhà đầu tư nước ngoài, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, mặc dù có quy mô còn khiêm tốn (khoảng 124 tỷ USD), nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sức hấp dẫn ngày càng lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay, trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã có trên 700 doanh nghiệp (DN) niêm yết, 640 DN đăng ký giao dịch, trong đó có 23 DN có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD. Trong hơn 1.867.000 tài khoản giao dịch đã được mở, có 21.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tính đến tháng 10/2017 tăng 47,4% so với cuối năm 2016.

Về triển vọng của thị trường vốn Việt Nam trong thời gian tới, ông Sơn lạc quan nhận định: “Có đủ cơ sở để lạc quan về sự phát triển bền vững của thị trường vốn trên cả 4 phương diện là: tăng trưởng kinh tế tiếp tục dự báo ở mức cao trong 5 năm tới; chủ trương và kế hoạch đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa DNNN sẽ cung cấp một lượng hàng hóa chất lượng cho thị trường; sản phẩm sắp đưa vào thị trường sẽ có sức hấp dẫn cao; khuôn khổ pháp lý cho thị trường vốn tiếp tục hoàn thiện”.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn cũng cho biết, hiện niềm tin kinh doanh và kỳ vọng vào sự phát triển kinh tế Việt Nam của các nhà đầu tư đang tăng rất cao. Kết quả này có được nhờ những chuyển biến tích cực trong chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ. 

Tiếp tục loại bỏ các thách thức

Trong hơn 1.867.000 tài khoản giao dịch đã được mở, có 21.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tính đến tháng 10/2017 tăng 47,4% so với cuối năm 2016.
Nhận thấy những cơ hội đầu tư rất lớn, song ông Shosuke Mori cho rằng, nền kinh tế Việt Nam còn tồn tại 3 thách thức khiến các nhà đầu tư e ngại. Thứ nhất là tốc độ cải cách DNNN vẫn chậm, chất lượng và số lượng chưa được như kỳ vọng. Thứ hai là các ngành công nghiệp trong nước có giá trị gia tăng không cao dù xuất khẩu ngày càng tăng. Thứ ba là vấn đề thủ tục hành chính và pháp lý.

“Nếu Việt Nam vượt qua được 3 thách thức lớn này, cùng với những tiềm năng, cơ hội hiện có, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư”, ông Shosuke Mori nói.

Bằng trải nghiệm của một nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ông Masanobu Nakanishi, Trưởng đại diện SMBC tại Việt Nam chia sẻ, quá trình đầu tư tại Việt Nam cho thấy có một số quy định pháp lý vẫn gây khó cho nhà đầu tư. Đơn cử như ở góc độ đầu tư vào DNNN, mặc dù Chính phủ kêu gọi nhà đầu tư mua cổ phần DNNN nhưng theo chính sách hiện hành thì quy định cổ phần bán cho nhà đầu tư nước ngoài là dưới 50% vốn điều lệ... “Hy vọng rằng trong thời gian tới, Chính phủ có thể đưa ra những chính sách để tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư mua cổ phần của DNNN”, Masanobu Nakanishi đề xuất.

Còn ở góc độ đầu tư vào các dự án PPP, ông Masanobu Nakanishi cho biết, trước đây, Chính phủ Việt Nam có chính sách bảo lãnh rủi ro về tỷ giá cho các dự án, nhưng hiện nay Chính phủ đã giảm dần tỷ lệ bảo lãnh. Thời gian tới, thị trường ngoại hối chưa chắc đã ổn định, do vậy rất cần Chính phủ đứng ra bảo lãnh tỷ giá cho các dự án PPP.