Nhà đầu tư ngoại góp ý cho Dự Luật PPP

(BĐT) - Trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2019 (VBF 2019) tổ chức ngày 10/1/2020, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã gửi kiến nghị liên quan đến Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (gọi tắt là Dự Luật PPP). Dự luật này đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn Việt Nam sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý để có thể tham gia sâu vào các dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên
Các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn Việt Nam sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý để có thể tham gia sâu vào các dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên

Các kiến nghị của nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào một số vấn đề chính của Dự Luật PPP như: trường hợp chấm dứt sớm/trước thời hạn hợp đồng PPP, các trường hợp bảo đảm của Chính phủ về thay đổi chính sách và luật pháp, quyền chấm dứt hợp đồng trước thời hạn... Các nhà đầu tư nước ngoài còn bày tỏ mong muốn được bảo vệ quyền và lợi ích khi thực hiện hợp đồng PPP.

Hiện Dự Luật PPP có quy định các trường hợp được áp dụng để chấm dứt sớm/trước thời hạn hợp đồng PPP. Chẳng hạn như cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấm dứt hợp đồng khi xác định nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP lâm vào tình trạng mất khả năng thực hiện các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng, hoặc vì lợi ích quốc gia, mục tiêu quốc phòng, an ninh quốc gia. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chấm dứt hợp đồng khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng vi phạm nghiêm trọng việc thực hiện nghĩa vụ theo quy định của hợp đồng. Các bên ký kết hợp đồng thỏa thuận về chấm dứt hợp đồng căn cứ ý kiến chấp thuận của cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ, Việt Nam nên tiếp tục mở rộng thêm các trường hợp khác theo quy định về chấm dứt hợp đồng dân sự.

Theo kế hoạch, vào ngày 10/1, tại Hà Nội, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) sẽ tổ chức VBF 2019. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu kết luận tại Diễn đàn.

Diễn đàn sẽ đối thoại về chủ đề “Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững”. Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận các yếu tố then chốt nhằm xác định những cơ hội và thách thức, kiến nghị giải pháp để phát triển nền kinh tế bền vững, tăng thu hút đầu tư. Diễn đàn được chia làm 3 phiên, gồm: Phiên 1: Điều tiết cho sự bền vững; Phiên 2: Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh; Phiên 3: Hạ tầng cơ sở cho sự đổi mới.

Kiến nghị bổ sung thêm trường hợp được áp dụng  chấm dứt sớm/trước thời hạn hợp đồng PPP, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, nếu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các bên ký hợp đồng, các nhà đầu tư và các pháp nhân của dự án bị ảnh hưởng đáng kể do tình trạng không đủ điều kiện thực hiện thì cũng có thể chấm dứt dự án sớm hơn hợp đồng đã ký kết. Sau đó, Chính phủ Việt Nam có thể mua lại dự án này.

Theo các nhà đầu tư, việc thực hiện các dự án PPP thường là dài hạn, cho nên đòi hỏi sự ổn định cao từ phía chính sách. Một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản, Ấn Độ... cho rằng, để nhà đầu tư yên tâm tham gia dự án PPP, cần có một điều khoản để bảo vệ họ khỏi những rủi ro liên quan đến sự thay đổi về luật pháp. “Đây sẽ là một điểm cộng cho Dự Luật PPP”, các nhà đầu tư nước ngoài nhấn mạnh.

Không chỉ chính sách cần ổn định trong thời gian dài, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản còn khuyến nghị Chính phủ Việt Nam xây dựng cơ chế rõ ràng để đảm bảo rằng ngân quỹ của Chính phủ có độ tin cậy cao và linh hoạt hơn.

Trước đó, tại nhiều diễn đàn, và gần đây nhất là Diễn đàn VBF giữa kỳ 2019, phương thức đầu tư PPP đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư nước ngoài với mong muốn Việt Nam sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý để có thể tham gia sâu vào các dự án này.

Tại Diễn đàn VBF giữa kỳ 2019, ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản từng nêu quan điểm: “Việc áp dụng một cách tích cực PPP là một trong những phương thức hiệu quả để sử dụng nguồn vốn tư nhân thúc đẩy phát triển hạ tầng thay cho Chính phủ".

Tin cùng chuyên mục