Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet |
Nhà nước kiến tạo cần biết lắng nghe
Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh trong bài tham luận gửi đến Hội thảo Quản trị kinh tế hướng tới một nhà nước kiến tạo diễn ra mới đây, đã chỉ ra thực tế hiện nay, tiếng nói của người dân và trách nhiệm giải trình của Nhà nước Việt Nam nằm trong nhóm các nước thấp nhất.
Trong khi đó, một chân trong “kiềng ba chân” của một nhà nước kiến tạo, theo chuyên gia quốc tế Jonathan Pincus, là sự tham gia của người dân trong các quyết định của Nhà nước nhằm bảo đảm các chương trình và chính sách gắn với nhu cầu của người dân.
Tại Báo cáo Vai trò của Nhà nước trong phát triển kinh tế Việt Nam, khi đề xuất về các giải pháp nhằm xây dựng một nhà nước kiến tạo để thúc đẩy một nền kinh tế cạnh tranh và hiệu quả hơn, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh vai trò của việc tăng cường tính minh bạch, mở cửa và khuyến khích mạnh mẽ hơn sự tham gia của Nhà nước với xã hội dân sự. Việc bảo đảm cho công dân có cơ hội tham gia góp ý và nhận xét cho việc lập kế hoạch, lên ngân sách, thực thi, theo dõi và đánh giá các quá trình ở tất cả các cấp của Chính phủ là cần thiết để nâng cao trách nhiệm giải trình.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận định, vai trò của Nhà nước trong nhà nước kiến tạo không hề giảm đi mà chỉ điều chỉnh chức năng. Tuy vậy, cũng như sự thất bại của thị trường, Nhà nước cũng có thể thất bại và đã từng thất bại. Để hạn chế thất bại, Nhà nước phải cần có tiếng nói của người dân, các tổ chức xã hội dân sự - những người không thuộc Nhà nước, cũng không hoạt động kinh doanh, chính họ với tinh thần khách quan, khoa học bằng thực tiễn hoạt động, những kinh nghiệm thực chứng có được, sẽ là những người phản biện, xây dựng chính sách tốt nhất và làm cho chính sách hoàn thiện hơn.
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, nhà nước kiến tạo có sự chuyển đổi về mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân, từ quan hệ giữa chủ thể quản lý và đối tượng quản lý sang quan hệ đối tác. Trong đó, Nhà nước phục vụ người dân, người dân thông qua bầu cử, ủy quyền cho những người do họ bầu ra những chức năng nhất định. “Muốn phục vụ người dân tốt hơn, trước hết phải biết dân muốn gì? Vì vậy phải lắng nghe người dân, phải để cho người dân được tự do bày tỏ ý kiến”, ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.
Báo chí - cầu nối giữa Nhà nước và nhân dân
Theo nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, sự tham gia nhiều hơn của công chúng và các phương tiện thông tin đại chúng vào việc thiết kế chính sách, quy trình rà soát và giám sát trong việc triển khai các sáng kiến, cải cách và tham gia vào việc vận động thay đổi trong các định hướng cải cách khi cần, cũng có thể tạo ra sự ủng hộ rộng rãi hơn cho cải cách và hỗ trợ nhà nước thực hiện chương trình cải cách hiệu quả hơn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh cho rằng, đối với Chính phủ kiến tạo, yếu tố minh bạch là quan trọng hàng đầu và báo chí là công cụ hiệu quả, cơ bản nhất để truyền tải, thể hiện sự minh bạch của Chính phủ. Báo chí góp phần minh bạch các chính sách, hành động của Chính phủ để người dân biết, giám sát, ngược lại báo chí giúp Chính phủ thể hiện được rằng mình đang minh bạch thực sự, minh bạch rộng rãi.
Trong cuộc gặp mặt với báo chí cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của báo chí đối với sự nghiệp đổi mới, đã truyền tải, tạo cảm hứng, góp phần định hướng mọi cá nhân, cộng đồng xã hội, phát huy tinh thần, khả năng sáng tạo, cùng chung sức, chung lòng xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Thủ tướng cũng đề nghị, báo chí cần phải đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của xã hội về thông tin, hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần thực hiện công khai, minh bạch quá trình và kết quả xử lý công việc của cơ quan hành chính nhà nước. Qua đó, góp phần bảo đảm thực hiện nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" để hoạt động của Chính phủ, của bộ máy hành chính các cấp phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.