Nhà thầu FECON: Lãi vay “ăn mòn” lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tháng 7/2023, Công ty CP FECON trúng 5 gói thầu mới với tổng giá trị 537,1 tỷ đồng. Dù nhiều việc, nhưng áp lực nợ vay lớn khiến chi phí lãi vay “bào mòn” đáng kể lợi nhuận của FECON. Hiện Công ty vẫn phải tăng cường sử dụng nợ vay ngắn hạn để bổ sung dòng tiền cho các dự án...
Nhà thầu FECON: Lãi vay “ăn mòn” lợi nhuận

Trúng nhiều gói thầu công trình ngầm và hạ tầng

Trong 5 gói thầu FECON vừa trúng, có 4 gói thầu thi công nền móng, công trình ngầm và hạ tầng, gồm: Gói thầu Thiết kế và thi công hạ tầng thuộc Dự án TH Healthcare (172,8 tỷ đồng), Gói thầu Thi công cọc đại trà, tường vây và Kingpost thuộc Dự án Khu dịch vụ du lịch ven sông Hàn (75,9 tỷ đồng), Gói thầu Thi công cọc thuộc Dự án Toà nhà Văn phòng Betrimex (gần 44,8 tỷ đồng) và một phần việc tại Dự án Đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam (65 tỷ đồng).

Gói thầu thứ 5 mà Công ty được trao thầu trong tháng 7 là Gói thầu Sản xuất khối neo trọng lực cho Dự án điện gió ngoài khơi thuộc vùng biển Malaysia trị giá 178,6 tỷ đồng. Tại gói thầu này, FECON sẽ sản xuất khối neo trọng lực cho công nghệ móng nổi của dự án điện gió, sau đó vận chuyển đến Dự án để lắp đặt. Việc tham gia gói thầu này là bước tiến quan trọng trong quá trình nghiên cứu, phát triển các công nghệ xây dựng công trình điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi của Công ty. Đây vốn là lĩnh vực phức tạp, chưa có nhiều nhà thầu trong nước đủ khả năng thực hiện, nhưng có tiềm năng dồi dào về nguồn công việc với định hướng phát triển năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII, đồng thời cũng gần gũi với lĩnh vực thi công nền móng, công trình ngầm, các dự án điện gió trên bờ mà FECON có nhiều kinh nghiệm.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, FECON đã được trao hợp đồng nhiều gói thầu với tổng giá trị 1.567 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Công ty có khả năng ký thêm các hợp đồng với tổng giá trị từ 2.000 - 2.500 tỷ đồng từ danh mục các dự án đang và sẽ đấu thầu.

Việc trúng nhiều gói thầu xây dựng công nghiệp và hạ tầng giúp bù đắp nguồn công việc sụt giảm từ mảng xây dựng dân dụng trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn cả về dòng tiền và pháp lý các dự án.

Năm 2022, FECON đã ký kết các hợp đồng với tổng trị giá 3.500 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án lĩnh vực hạ tầng, xây dựng công nghiệp như: Nhiệt điện Vũng Áng 2 Hà Tĩnh; bến cảng số 5, số 6 tại Lạch Huyện, Hải Phòng; Tổ hợp thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2 tại Quảng Ngãi..., giúp giá trị hợp đồng chuyển tiếp sang năm 2023 đạt hơn 2.500 tỷ đồng.

Gánh nặng nợ vay, chi phí tài chính

Nửa đầu năm 2023, mặc dù doanh thu thuần của FECON đạt 1.283 tỷ đồng, giảm 16,7% so với kết quả thực hiện nửa đầu năm ngoái, nhưng nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên 19,3%, tăng đến 6,7 điểm phần trăm so với nửa đầu năm 2022, giúp lợi nhuận gộp đạt 247,9 tỷ đồng, tăng 27,8%. Biên lợi nhuận được cải thiện chủ yếu là nhờ biến động giá nguyên vật liệu và nhân công năm nay thuận lợi hơn, không tăng bất thường như nửa đầu năm ngoái, nên Công ty đã tính toán và phản ánh vào đơn giá chào thầu, ký kết hợp đồng với chủ đầu tư/nhà thầu chính. Tuy vậy, do chi phí tài chính ở mức cao, chủ yếu là chi phí lãi vay, lợi nhuận sau thuế thu về sau nửa đầu năm chỉ vỏn vẹn 1,37 tỷ đồng.

Tính đến 30/6/2023, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của FECON là 2.962 tỷ đồng, chiếm 38,5% cơ cấu nguồn vốn. Trong đó, 2.018 tỷ đồng là các khoản nợ vay ngắn hạn hoặc nợ vay dài hạn đến hạn trả. Trong những quý gần đây, số dư nợ vay của FECON có xu hướng tăng trong bối cảnh dòng tiền hoạt động kinh doanh âm, chủ yếu do công nợ phải thu, chi phí xây dựng dở dang của các dự án gia tăng và Công ty phải tăng cường sử dụng nợ vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động cũng như đáp ứng nhu cầu dòng tiền đầu tư, thi công các dự án.

Theo ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP FECON, từ quý III/2022, tình hình chung của các nhà thầu là không thu được công nợ. Nhà thầu bỏ vốn và vay ngân hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký nhưng tốc độ nghiệm thu chậm, thanh toán càng chậm. Vì đã bỏ vốn ra làm mà chưa được thanh toán nên các doanh nghiệp xây dựng phải phụ thuộc vào ngân hàng.

Tại FECON, công nợ phải thu ngắn hạn đến cuối quý II/2023 chiếm đến 58,2% tài sản ngắn hạn với giá trị 3.102 tỷ đồng cho thấy việc thu hồi công nợ vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, chi phí xây dựng dở dang là 1.644 tỷ đồng, chiếm 31,8% tài sản ngắn hạn. Tổng cộng nợ vay của FECON tăng 343 tỷ đồng trong 4 quý gần nhất để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh và đầu tư.

Số dư nợ vay lớn khiến chi phí lãi vay của FECON trong nửa đầu năm nay lên đến 137 tỷ đồng, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, chi phí lãi vay của FECON tương đương 96% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (chưa bao gồm hoạt động tài chính và thu nhập khác).

Việc thu xếp dòng vốn trả nợ và tái đầu tư đang là bài toán quan trọng mà FECON cần giải quyết trong thời gian tới. Chẳng hạn, với những khoản trái phiếu phát hành để bổ sung vốn lưu động, Công ty sẽ phải thu xếp dòng tiền thay thế khi trái phiếu đáo hạn.

Tin cùng chuyên mục