Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông. Ảnh: Lê Tiên |
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho biết, động lực tăng trưởng của Công ty trong năm 2024 sẽ tiếp tục đến từ hai mảng hoạt động chính là mảng xây lắp và mảng thu phí BOT. Đối với mảng xây lắp, tính đến cuối năm 2023, giá trị hợp đồng chưa thực hiện (backlog) của Công ty ước đạt 2.500 tỷ đồng, trong đó đóng góp lớn nhất đến từ cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, 1 trong 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Trong năm 2024, giá trị xây lắp ký mới chủ yếu sẽ đến từ Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (khởi công tháng 1/2024) và Dự án Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (dự kiến khởi công vào quý II/2024) và một số dự án đầu tư công khác mà Công ty sẽ tham gia đấu thầu. Doanh thu mảng thi công xây lắp năm 2024 dự kiến đạt hơn 1.300 tỷ đồng, tăng khoảng 26% so với năm 2023.
“Trong giai đoạn 2024 - 2025, bên cạnh cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã khởi công đầu năm 2024, Giao thông Đèo Cả dự kiến khởi công một số dự án PPP lớn khác bao gồm: cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Tổng mức đầu tư của các dự án trên là hơn 42.000 tỷ đồng”, ông Huy cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Huy, các dự án giao thông thường có biên lợi nhuận rất mỏng, hay gọi là “ăn no vác nặng”. Do vậy, việc quản trị doanh nghiệp, quản lý dự án luôn luôn phải được chú trọng, tổ chức thi công hợp lý, kiểm soát chi phí, đầu tư vào các công nghệ mới để nâng cao hiệu suất công việc, giảm thiểu rủi ro.
Đánh giá về triển vọng ngành xây dựng hạ tầng, ông Vũ Đức Nhận, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, có nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong ngành khi quy mô đầu tư từ Nhà nước cho hạ tầng đang lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, các nhà thầu giao thông cũng gặp nhiều thách thức do thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, khó khăn do trượt giá, thiếu hụt vật tư, vật liệu cũng như vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
“Không phải dự án nào cũng thuận lợi, Phương Thành sẽ căn cứ điều kiện thực tế của mình để lựa chọn dự án phù hợp”, ông Nhận nói và cho biết. Đóng góp cho kết quả kinh doanh Công ty trong năm nay sẽ đến từ các dự án lớn như cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM.
Loạt dự án quy mô lớn đã khởi công sẽ bảo đảm nguồn công việc dồi dào cho các nhà thầu xây lắp ngành giao thông. Ảnh: Nhã Chi |
Theo ghi nhận của phóng viên, các dự án đầu tư công được đẩy mạnh triển khai đã và đang tạo nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp trong ngành. Trong các tháng cuối năm 2023, Công ty CP Lizen đã ký thêm hợp đồng Gói thầu số 01 Thi công xây lắp công trình thuộc Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan (giao ĐT.387) tỉnh Hưng Yên trị giá 845 tỷ đồng và Gói thầu số 01 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội với giá hơn 1.253 tỷ đồng.
Theo ước tính mới đây của BSC Equity Research, tính đến cuối năm 2023, giá trị hợp đồng chưa thực hiện trong mảng xây lắp của Lizen đạt hơn 5.600 tỷ đồng, gấp 3 - 4 lần giai đoạn 2017 - 2022. Điều này bảo đảm nguồn công việc cho Lizen trong 2 năm tới. Các dự án này được kỳ vọng sẽ giúp doanh thu năm 2024 của Lizen tăng 63% so với năm 2023, đạt 3.317 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Công ty trong giai đoạn 2024 - 2025 dự báo đạt từ 210 - 250 tỷ đồng. Các dự án sẽ đóng góp lớn cho kết quả kinh doanh của Lizen trong năm 2024 là cao tốc Vũng Áng - Bùng, cao tốc Nha Trang - Vân Phong và Vành đai 4 - Hà Nội.
Trong quý cuối năm 2023, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương cũng ghi nhận một loạt hợp đồng xây dựng giao thông lớn như Gói thầu CĐT-XL01 Xây dựng cầu Mộc Hóa, Sa Đéc, Hồng Ngự, Mỏ Cày; cải tạo cầu Giồng Găng thuộc Dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - GĐ1 (khu vực phía Nam) trị giá hơn 612 tỷ đồng; Gói thầu số 13 Thi công xây dựng XL3 đoạn từ Km77+500 đến Km88+550 thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ (298,88 tỷ đồng)... Ước tính tổng giá trị hợp đồng ký mới của Đạt Phương trong quý IV/2023 khoảng 1.281 tỷ đồng.
Tổng công ty Xây dựng số 1, trong vai trò liên danh đã liên tục trúng nhiều gói thầu giao thông lớn vào cuối tháng 12/2023 như: Gói thầu số 10-XL Thi công xây dựng đoạn Km23+00 - Km34+200 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) của Dự án thành phần 2 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (2.116 tỷ đồng); Gói thầu XL3 Thi công xây dựng đoạn từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn đoạn từ Km45+000 đến Km51+280 thuộc Dự án thành phần 5 - Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM (1.852 tỷ đồng)…
Tại Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đầu tư công có vai trò quan trọng, dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%.
Năm 2021 - 2022 là giai đoạn khởi động, chuẩn bị và phê duyệt dự án, năm 2023 triển khai đồng loạt, năm 2024 được xác định là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm.