Gỡ khó về định mức, đơn giá, vật liệu xây dựng: Cứu cánh cho nhà thầu giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước nghịch cảnh càng làm, càng lỗ, không ít nhà thầu xây lắp ngành giao thông với năng lực tài chính khiêm tốn đang ở tình trạng nợ nần chồng chất, phải rời bỏ thị trường. Một số nhà thầu lớn đang cố gắng gồng lỗ để trụ lại.

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 9/1/2024 chỉ đạo tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được kỳ vọng sớm tháo gỡ những khó khăn mang tính “sinh - tử” cho nhà thầu giao thông.

Giá cát xây dựng trúng thầu hơn 1 năm trước chỉ khoảng 140.000 đồng/m3, nhưng thực tế hiện nhà thầu phải mua với giá gần 300.000 đồng/m3.

Giá cát xây dựng trúng thầu hơn 1 năm trước chỉ khoảng 140.000 đồng/m3, nhưng thực tế hiện nhà thầu phải mua với giá gần 300.000 đồng/m3.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Hồ Tuấn Nhân, Giám đốc Công ty CP Cầu đường Long Biên Hà Nội cho biết, đơn giá nhân công, máy móc hiện đã rất lạc hậu so với thực tế chi trả của nhà thầu. Bất cập này đã diễn ra một thời gian dài nhưng không được tháo gỡ, nhà thầu phải “giật gấu vá vai”, tìm thuê nhân công giá rẻ, máy móc cũ để thi công công trình. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến chất lượng công trình, nhà thầu không còn năng lực tài chính để thực hiện các gói thầu.

Ông Trần Quang Tuyến - Phó Tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường cho rằng, nếu Nhà nước không có giải pháp tháo gỡ triệt để cho nhà thầu trong bối cảnh khó khăn tứ bề thì vài năm nữa, các doanh nghiệp giao thông dù mạnh đến mấy cũng phá sản. Đơn cử, giá cát xây dựng trúng thầu hơn 1 năm trước chỉ khoảng 140.000 đồng/m3, nhưng thực tế hiện nhà thầu phải mua với giá gần 300.000 đồng/m3. Chỉ số giá xây dựng địa phương công bố thấp hơn rất nhiều so với thực tế nhà thầu chi trả. Ngoài ra, để đảm bảo tiến độ công trình quan trọng quốc gia, nhà thầu phải cam kết thi công 3 ca 4 kíp/ngày, một bộ phận nhân sự phải thi công không có ngày lễ, làm xuyên Tết, làm thứ Bảy, Chủ Nhật, đồng thời phải trả tiền công cho người lao động gấp 2 - 3 lần vào những dịp cao điểm, nhưng định mức nhân công thấp, lại không tính đến chi phí cho những khoản này.

Một chuyên gia về đầu tư cho biết, chỉ cần nhìn vào thực tế giải ngân đầu tư công vài năm trở lại đây sẽ thấy nguồn lực nhà nước đầu tư vào các công trình trọng điểm, công trình giao thông là rất lớn, nhưng đơn giá, định mức thấp và khó khăn về vật liệu đầu vào khiến các công trình không còn là “miếng bánh” hấp dẫn đối với nhà thầu. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án, dần tháo gỡ khó khăn về khan hiếm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhà thầu khó vẫn hoàn khó do bị bó trong quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý định mức, giá xây dựng, quản lý vật liệu xây dựng thông thường trong bối cảnh bị thúc ép về tiến độ hoàn thành công trình.

Tại Hội nghị tổng kết ngành giao thông vận tải cuối năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu một thực trạng nhức nhối tại các công trình/dự án là khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường, dẫn đến các mỏ vật liệu đất, đá - vốn dĩ chỉ là vật liệu xây dựng thông thường lại thành “mỏ đồng, mỏ vàng”, các chủ mỏ thao túng thị trường xây dựng và bán cho doanh nghiệp xây lắp với giá cắt cổ.

Tại Công điện số 02, Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát các mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp trên địa bàn, chủ động phối hợp với các địa phương lân cận để quy hoạch, cấp phép các mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp, đảm bảo đủ vật liệu theo tiến độ cho nhu cầu thi công của các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo chủ đầu tư/ban quản lý dự án rà soát hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng của các dự án giao thông để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, bảo đảm đủ nguồn và công suất khai thác vật liệu san lấp cho nhu cầu của dự án, nhất là các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất, bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường Nhà nước quy định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá; có chế tài xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, ép giá, đầu cơ đất khu vực mỏ…

Đối với Bộ Xây dựng, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm phù hợp với thực tế và khả thi trong triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện trong tháng 3/2024. Đồng thời, tích cực hướng dẫn, đôn đốc các địa phương công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng (hàng quý hoặc sớm hơn nếu cần thiết), đơn giá nhân công xây dựng (hàng năm hoặc sớm hơn nếu cần thiết) bảo đảm kịp thời, đầy đủ, phù hợp với giá thị trường…

Ông Bùi Hồng Minh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải rà soát lại đơn giá, định mức xây dựng nhằm đảm bảo phù hợp với các đặc thù của ngành giao thông. Hiện công tác quản lý về chi phí xây dựng đang gặp khó khăn trong việc xác định giá vật liệu tại mỏ (nhà thầu được giao mỏ) và giá vật liệu trên công trình (nhà thầu phải mua theo cơ chế thị trường).

Ông Phạm Văn Khôi - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, Công điện số 02/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đáp ứng yêu cầu rất bức thiết hiện nay. Nhà thầu gặp khó khăn vì định mức, đơn giá xây dựng thấp; nguồn cung vật liệu xây dựng khan hiếm từ năm 2020 đến nay nhưng chưa được giải quyết một cách triệt để. Trong bối cảnh phải thi công hàng loạt công trình giao thông lớn với tiến độ hoàn thành gấp rút, nhà thầu hy vọng Công điện của Thủ tướng sẽ là “cú hích” để tất cả các cơ quan chức năng, địa phương phải vào cuộc thực sự, tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Tin cùng chuyên mục