Nhà thầu xây dựng điêu đứng với giá vật liệu leo thang

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, Công ty có tham gia thực hiện một số gói thầu xây dựng, phần lớn là triển khai theo loại hợp đồng trọn gói hoặc hợp đồng theo đơn giá cố định. Trước bối cảnh giá cả vật liệu tăng cao như hiện nay, việc triển khai hợp đồng đã ký kết gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Võ Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng tổng hợp Tiến Minh

Ông Võ Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng tổng hợp Tiến Minh

Cụ thể, cách đây ít ngày, một số doanh nghiệp cung cấp xi măng tiếp tục thông báo tăng giá bán sản phẩm thêm 50.000 đồng/tấn. Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xi măng đã tăng ít nhất là 3 lần.

Cùng với xi măng, giá cả các loạt vật liệu khác như: cát, đá xây dựng, gạch không nung… đều tăng 20 - 30% so với thời điểm này năm ngoái. Riêng với thép, hiện tại, giá thép đã “hạ nhiệt” hơn nhưng thực tế cũng vẫn còn cao.

Với áp lực giá vật liệu tăng cao, nhiều công trình vừa được chúng tôi ký kết hợp đồng trọn gói hoặc hợp đồng theo đơn giá cố định thì nguy cơ thua lỗ đã hiện hữu, bất chấp rủi ro đã được tính toán tới. Lý do là trước tình hình giá vật liệu tăng cao, thời gian qua, dù nhiều địa phương đã có điều chỉnh và công bố giá để chủ đầu tư có căn cứ bù giá kịp thời cho các nhà thầu nhưng báo giá vật liệu xây dựng do các Sở Xây dựng địa phương thông báo vẫn không cập nhật theo giá thị trường nên nhà thầu vẫn đang phải chịu lỗ.

Chẳng hạn, hiện là tháng 8, nhưng giá cập nhật của nhiều Sở Xây dựng lại là giá ở thời điểm tháng 6/2022. Với mức giá không cập nhật đó, mọi rủi ro đều đẩy về phía nhà thầu xây dựng.

Trong lúc đó, quá trình thẩm tra, thẩm định cũng gặp nhiều khó khăn, thiếu sự thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp… Vì thế, chúng tôi rất mong cơ quan quản lý có giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục