CPTPP dự kiến tạo ra mức tăng trưởng lớn nhất đối với một số ngành như: thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hóa chất… Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, Quốc hội cũng lưu ý, Chính phủ cần đánh giá những tác động, biến những thách thức của CPTPP thành cơ hội.
Thấy cả cơ hội và thách thức
Đánh giá cao Hiệp định CPTPP, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng, đây là cơ hội mở rộng thương mại, đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ; là cơ hội nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại. Nhờ đó, doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội tăng lợi nhuận, có thêm việc làm cho người lao động, cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân.
Ông Lộc cho rằng, CPTPP cũng là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế, là động lực và áp lực đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh. Bên cạnh đó, chúng ta trông đợi những tác động tích cực về phát triển bền vững mà Hiệp định hứa hẹn mang lại.
“Tuy nhiên, bài học từ việc thực thi 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có đã cho thấy phần lợi ích thực sự đạt được còn khiêm tốn. Riêng lợi ích từ ưu đãi thuế quan trung bình chỉ tận dụng chưa đầy 40% và chủ yếu thuộc về doanh nghiệp FDI, hơn 60% còn lại vì nhiều lý do khác nhau đã tuột khỏi doanh nghiệp Việt Nam” - đại biểu Vũ Tiến Lộc cảnh báo.
Theo Tờ trình của Chính phủ, CPTPP sẽ tác động mạnh đến một số ngành kinh tế, dự kiến tạo ra mức tăng trưởng lớn nhất đối với các ngành: thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hóa chất, sản phẩm nhựa, đồ uống có cồn, đồ da...
Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa), trên thực tế đây là những ngành kinh tế thâm dụng lao động, khó có khả năng nâng cao năng suất lao động và bảo đảm tăng trưởng bền vững. Việc thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng cơ hội việc làm trong các lĩnh vực này cần phải được đánh giá một cách khách quan trên phương diện thách thức lớn hơn cơ hội, bởi vì thách thức về năng suất lao động, về tiền lương, thu nhập, khả năng đáp ứng nguồn nhân lực trong bối cảnh già hóa dân số.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) chỉ rõ những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi là thành viên của CPTPP. Đó là, bên cạnh những lĩnh vực truyền thống, CPTPP còn đặt ra yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.
Sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài sẽ diễn ra quyết liệt, không chỉ ở thị trường các nước tham gia Hiệp định mà ngay tại thị trường Việt Nam, trên cả 3 cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt hơn ngay tại sân nhà.
Chuẩn bị kỹ để đi trước đón đầu
Để tận dụng những cơ hội, hạn chế những thách thức mà Hiệp định CPTPP mang lại, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị, cùng với việc phê chuẩn, Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ xây dựng và triển khai chương trình hành động bảo đảm thực thi Hiệp định có hiệu quả. Đơn cử như nhiệm vụ chính sách, pháp luật với việc sửa đổi hay ban hành những chính sách mới hay văn bản không phải do Hiệp định trực tiếp yêu cầu nhưng cần thiết phải điều chỉnh dưới tác động của Hiệp định.
“Chúng ta không chỉ thực thi Hiệp định một cách nghiêm túc mà còn phải biết thực thi một cách khôn ngoan”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh đồng thời đề nghị Chính phủ cần rà soát, xem xét và xây dựng tất cả các phương án để có thể thực thi một cách chủ động các cam kết và phải đánh giá tác động, tham vấn các đối tượng có liên quan để nhận diện, cân, đong, đo, đếm được các tác động của việc thực thi, cân nhắc được, mất nếu vi phạm cam kết.
Đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) cho rằng, bên cạnh những ưu đãi “vàng” từ CPTPP thì thách thức của nền kinh tế Việt Nam nằm ở năng lực cạnh tranh; thách thức ở góc độ quốc gia đó là cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và minh bạch.
Do vậy, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực dồi dào cùng sự đào tạo tương xứng. Nguồn nhân lực từ người lao động cho đến người quản lý phải có trình độ chuyên môn, công nghệ kỹ thuật phải đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển. Chính phủ cần cải cách sâu rộng hơn nữa để cải thiện căn bản môi trường kinh doanh và đáp ứng với những yêu cầu của cam kết và hội nhập quốc tế, đặc biệt là của Hiệp định CPTPP.