Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu là một trong những mắt xích quan trọng để hút FDI thế hệ mới. Ảnh: Nhã Chi |
Bối cảnh mới
Nhận định về những yếu tố tác động đến FDI trong thập kỷ tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là trào lưu có tính thách thức và đột phá nhất. Tiếp đó là các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Các hiệp định này có khả năng thúc đẩy tăng trưởng GDP và giúp Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao hơn. Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc sẽ đem lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đòi hỏi tiếp tục mở cửa lĩnh vực logistics.
Các ngành gia công, vận tải, dịch vụ tài chính, khách sạn - nhà hàng và hàng loạt ngành khác chịu ảnh hưởng của các công nghệ đột phá do CMCN 4.0 mang lại. Chính phủ đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thực hiện cải cách và cân đối các cơ chế ưu đãi liên quan theo hướng ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và năng lượng tái tạo.
Như vậy, vốn FDI “thế hệ mới” sẽ tập trung chảy vào lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, tối đa hóa giá trị gia tăng.
Thay đổi xu hướng đầu tư
Để tận dụng những cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, nhà đầu tư của nhiều nước đang có xu hướng gia tăng việc đặt địa điểm sản xuất ở nước ngoài. Các FTA sẽ nâng cao sự hấp dẫn của Việt Nam trong vai trò là một điểm đến đầu tư, là địa bàn sản xuất hàng hoá và dịch vụ để xuất khẩu sang các thị trường thứ ba.
Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia WB cho thấy, bên cạnh những hình thức đầu tư FDI truyền thống, hiện nay thế giới đang xuất hiện một số hình thức đầu tư mới như hợp đồng thuê gia công, thuê ngoài dịch vụ, khoán nông nghiệp, nhượng quyền, cấp phép và quản lý theo hợp đồng...; phương thức đầu tư xuyên biên giới không vốn góp (NEM)...
Về NEM, chuyên gia của WB nhận định, ngày nay, đầu tư ra nước ngoài có hai hình thức: thông qua đầu tư vốn trực tiếp và thông qua các cơ chế hợp đồng thương mại giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ở nước sở tại. Trong trường hợp thứ hai, khoản “đầu tư” của nhà đầu tư nước ngoài thường bao gồm việc cung cấp thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết kinh doanh, công nghệ, kỹ năng hoặc quản trị doanh nghiệp. Chẳng hạn, thương hiệu và hệ thống điều hành của Hyatt được sử dụng để điều hành một khách sạn thuộc sở hữu trong nước ở Nepal; hay Apple thuê Inventec của Đài Loan sản xuất một số loại linh kiện thông qua hợp đồng gia công.
Đừng để tuột mất cơ hội
Trong thời gian tới, các chuyên gia khẳng định, Việt Nam vẫn cần thu hút FDI nhằm lấp đầy những lỗ hổng cơ bản trong chuỗi cung ứng trong nước, tạo ra số lượng lớn việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành.
Để tiếp cận được các phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp (nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp thuê gia công quốc tế) và điều chỉnh mục tiêu thu hút FDI. Các cơ hội thu hút FDI sẽ bị bỏ lỡ nếu khung pháp lý, chính sách không được củng cố.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện phụ thuộc quá nhiều vào chính sách miễn thuế có thời hạn, miễn thuế có thời hạn một phần cũng như các chế độ thuế suất ưu đãi và miễn thuế nhập khẩu... Rõ ràng, cần thay thế chính sách ưu đãi dựa trên lợi nhuận bằng chính sách ưu đãi dựa trên hiệu quả. Cần tiếp tục nghiên cứu sâu và thực hiện các phân tích chi phí - lợi ích để cải cách chính sách ưu đãi căn cứ trên các tiêu chí chặt chẽ về bổ sung giá trị và tương xứng giữa giá trị và chi phí.
Phân tích sơ bộ về các cam kết CPTPP của Việt Nam cho thấy, các thủ tục đầu tư vào các ngành viễn thông, logistics, giáo dục, y tế và dịch vụ tài chính còn rườm rà hơn các nước thành viên CPTPP khác, do vậy có thể làm giảm tính cạnh tranh trong thu hút các dòng vốn FDI mới.
Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh - một địa phương thu hút được lượng FDI rất lớn - cho rằng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu là một trong những mắt xích quan trọng để hút FDI thế hệ mới. Tuy nhiên, hiện liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, liên kết theo cụm ngành, gắn kết công nghiệp cốt lõi với sản phẩm hỗ trợ còn lỏng lẻo. Các ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ còn yếu, chưa tận dụng được hiệu quả thu hút FDI...