Nhân lực chất lượng - “chìa khóa” nâng tầm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Diễn đàn Hợp tác toàn cầu trong phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn được tổ chức chiều ngày 8/11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho rằng, nhân lực chất lượng chính là “chìa khóa” nâng tầm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại Diễn đàn
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại Diễn đàn

Với vị thế là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất thiết bị cho ngành công nghiệp bán dẫn - “trái tim” của ngành công nghiệp công nghệ cao có thể giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ.

Chủ động tận dụng cơ hội này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, những năm vừa qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao trong lĩnh vực bán dẫn. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 với mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn đến năm 2030.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) chủ trì, phối hợp với các tập đoàn công nghệ, cơ sở đào tạo hàng đầu trong nước và quốc tế đồng loạt triển khai nhiều hoạt động đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn, thu hút đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển. Việc hợp tác chặt chẽ giữa NIC với các đối tác trong và ngoài nước đã đem đến nhiều kết quả tích cực.

“Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, có vị trí địa chính trị chiến lược, có lực lượng lao động trẻ dồi dào am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hiện đại, thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm thông tin.

Với những tiềm năng lợi thế trên, Thứ trưởng kêu gọi, các tập đoàn, đối tác trong ngành bán dẫn tiếp tục tin tưởng, mở rộng các hoạt động hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. “Sự đầu tư, hỗ trợ vào nguồn nhân lực trẻ Việt Nam là chìa khóa để mở cánh cửa tương lai tươi sáng và bền vững hơn, mang lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và doanh nghiệp”, ông nhấn mạnh.

Các đại biểu đến từ các Viện, trường, doanh nghiệp bán dẫn tham gia thảo luận tại Diễn đàn

Các đại biểu đến từ các Viện, trường, doanh nghiệp bán dẫn tham gia thảo luận tại Diễn đàn

Diễn đàn Hợp tác toàn cầu trong phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn nằm trong khuôn khổ Triển lãm Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 7 - 8/11/2024 tại Hà Nội.

Diễn đàn có sự tham gia của tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn ở trong và ngoài nước như: Intel, CMC, Dassault Systemes, Trường Đại học VinUni, Đại học Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc)… với 2 phiên tọa đàm.

Phiên thứ nhất với chủ đề “Cơ hội cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu” đã thu hút sự chú ý với những phân tích sâu sắc về xu hướng toàn cầu trong ngành thiết bị bán dẫn. Các diễn giả nhận định, việc xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là về thiết bị, sản xuất là rất cần thiết. Sự kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ là động lực quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho ngành sản xuất.

Phiên tọa đàm thứ hai tập trung vào việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành thiết bị bán dẫn. Các đại biểu tham dự chung quan điểm, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết bị bán dẫn là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác của nhiều bên liên quan.

Tin cùng chuyên mục