Nhân rộng “sếu đầu đàn” cho công nghiệp trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công nghiệp trọng điểm là các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên có sức lan tỏa, góp phần thúc đẩy, dẫn dắt phát triển. Để phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, trong đó có những chính sách đột phá để nuôi dưỡng, hình thành các doanh nghiệp (DN) đầu đàn.
Sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm sẽ tạo động lực để thúc đẩy toàn bộ nền công nghiệp nói riêng cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nền kinh tế nói chung. Ảnh: Lê Tiên
Sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm sẽ tạo động lực để thúc đẩy toàn bộ nền công nghiệp nói riêng cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nền kinh tế nói chung. Ảnh: Lê Tiên

Thiếu hành lang pháp lý

Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã có chính sách phát triển công nghiệp cơ khí, luyện kim, hóa chất, vật liệu, năng lượng… và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, ngành công nghiệp trọng điểm vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó có việc thiếu các DN lớn dẫn dắt phát triển.

Báo cáo thực trạng phát triển ngành công nghiệp trọng điểm được Bộ Công Thương thực hiện gần đây chỉ ra, sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Quy mô và năng lực của các DN công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế. Trong số khoảng 5.000 DN nội địa sản xuất phụ tùng, linh kiện, chỉ có khoảng 1.000 DN tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước với sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, đóng góp thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm…

Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất thép lớn, nhưng chúng ta vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn thép cuộn cán nóng (HRC) để phục vụ sản xuất trong nước. Năm 2020, Việt Nam đã nhập siêu thép cuộn cán nóng đến 9,3 triệu tấn. 9 tháng năm 2024, Việt Nam nhập gần 8,8 triệu tấn thép HRC, tăng 26% so với cùng kỳ 2023.

Trong lĩnh vực cơ khí, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương đánh giá, Việt Nam có một số DN tạm coi là “sếu đầu đàn”, nhưng số lượng chưa đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chưa có hành lang pháp lý xác định rõ trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm trong quá trình công nghiệp hóa. Hệ thống pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể hóa về việc xác định các ngành công nghiệp trọng điểm, then chốt cũng như chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển các ngành này (danh mục các ngành công nghiệp trọng điểm có hiệu lực pháp lý thấp, lạc hậu so với thực tế).

Bộ Công Thương đề xuất cần có cơ chế đặt hàng các sản phẩm công nghiệp trọng điểm; thúc đẩy liên doanh, liên kết với các hãng sản xuất toàn cầu sản xuất tại Việt Nam đi kèm với yêu cầu phát triển R&D và chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các ngành công nghiệp trọng điểm còn rời rạc, hiệu lực pháp lý thấp hoặc chưa được xây dựng. Môi trường kinh doanh thời gian qua tuy có nhiều cải thiện nhưng còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến tính ổn định trong việc phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, vốn yêu cầu các chính sách ổn định, dài hạn, tầm nhìn chiến lược.

Ngoài ra, năng lực cạnh tranh của bản thân các DN công nghiệp trọng điểm còn nhiều hạn chế, nên gặp nhiều khó khăn để vươn lên thành DN toàn cầu. Hiện Việt Nam có 930.000 DN đang hoạt động, nhưng số DN công nghiệp quy mô lớn có khả năng dẫn dắt còn mỏng. Nhiều năm nay, bảng xếp hạng vẫn chỉ có những cái tên quen thuộc như Thaco, Hòa Phát, Viettel, FPT… Thực tế này đòi hỏi phải có những chính sách mới, nuôi dưỡng DN nội lớn lên, xứng đáng trở thành trụ cột trong các ngành kinh tế.

Kiến tạo đột phá về chính sách

Thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm sẽ tạo động lực để thúc đẩy toàn bộ nền công nghiệp nói riêng cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nền kinh tế nói chung. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Công Thương cho rằng, cần kiến tạo được một số đột phá về chính sách, pháp luật theo hướng từ chiều rộng sang theo chiều sâu, từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao đồng thời tạo đột phá về quá trình hiện đại hóa trong công nghiệp.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm với 2 chính sách. Thứ nhất là khuyến khích sản xuất, chế tạo trong nước các sản phẩm công nghiệp trọng điểm. Chính sách này sẽ khắc phục từng bước tình trạng sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp…; thúc đẩy việc hình thành chuỗi giá trị công nghiệp thông qua các chính sách phát triển DN dẫn đầu. Đây cũng là căn cứ bảo đảm tính khả thi trong việc bố trí nguồn lực phát triển công nghiệp tập trung vào các ngành trọng điểm, then chốt, có ý nghĩa quan trọng, tránh việc áp dụng quá rộng rãi các cơ chế ưu đãi phát triển, vừa không hiệu quả, vừa gây lãng phí nguồn lực nhà nước.

Thứ hai, Bộ Công Thương đề xuất phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp quốc phòng. Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhằm thu hút đầu tư, tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Dự thảo đề cương Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, Bộ Công Thương đề xuất cần có cơ chế đặt hàng các sản phẩm công nghiệp trọng điểm; thúc đẩy liên doanh, liên kết với các hãng sản xuất toàn cầu sản xuất tại Việt Nam đi kèm với yêu cầu phát triển R&D và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ chế tích lũy quỹ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho sản xuất; cơ chế thí điểm đặc thù trong giao đất và phân bổ tài nguyên cho các DN dẫn đầu…

Về phát triển thị trường, khi tiến hành mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên, các cơ quan, đơn vị phải áp dụng đấu thầu trong nước đối với các sản phẩm công nghiệp trọng điểm trong nước đã sản xuất được. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực quốc gia đang trong quá trình sản xuất thử nghiệm được Chính phủ bảo lãnh trong quá trình cung cấp sản phẩm lần đầu ra thị trường khi tham gia mua sắm theo quy định…

Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ hài hòa, bền vững theo chiều sâu giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên
Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ hài hòa, bền vững theo chiều sâu giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên

Với chủ đầu tư, bên mời thầu, nghiêm cấm các chủ đầu tư, bên mời thầu khi lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu tự ý đưa ra các quy định, điều kiện, rào cản để hạn chế khả năng tham gia dự thầu của các DN công nghiệp trong nước.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Vũ Văn Khoa, Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí tin tưởng, DN công nghiệp trong nước có thể làm được việc lớn nếu có cơ chế, chính sách phù hợp. Ngành công nghiệp trọng điểm phát triển lớn mạnh sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ, đồng thời tiết kiệm đáng kể vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng quan trọng.

Đặc biệt, để tạo động lực cho nền kinh tế, nhiều dự án hạ tầng lớn “khai phóng” nguồn lực cho cho phát triển sẽ được triển khai, trong đó có thể kể tới công trình đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới hàng chục tỷ USD.

Tại hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các DN về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội tổ chức gần đây, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát khẳng định, việc sản xuất thép đường ray hoàn toàn nằm trong khả năng của Tập đoàn. Ông Long cho biết, từ hai ba năm nay, Hòa Phát đã nghiên cứu dòng sản phẩm này. Theo đó, nếu Chính phủ, Thủ tướng giao cho DN làm, Hòa Phát có thể làm nhiều loại thép cung cấp cho dự án, không riêng thép đường ray.

Tin cùng chuyên mục