Nhiệm vụ thoái vốn nhà nước sẽ rất nặng

(BĐT) - Thời gian từ nay đến năm 2020, nhiệm vụ thoái vốn nhà nước sẽ rất nặng nề. Trong nhiều lĩnh vực, thoái vốn phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lợi ích nhóm.
Trong 5 năm tới Nhà nước vẫn nắm giữ 100% vốn tại 190 doanh nghiệp trong 12 lĩnh vực quan trọng. Ảnh: Cao Vân Dung
Trong 5 năm tới Nhà nước vẫn nắm giữ 100% vốn tại 190 doanh nghiệp trong 12 lĩnh vực quan trọng. Ảnh: Cao Vân Dung

Phân loại, điều chỉnh

Đây là nhận định của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp khi nói về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, đối với những DN chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) thì các Bộ, UBND cấp tỉnh, tập đoàn kinh tế và tổng công ty đã được Thủ tướng phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực cần căn cứ tiêu chí phân loại để chủ động điều chỉnh lại tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ khi xây dựng phương án CPH.

Đối với những DN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH thì thực hiện theo phương án đã được phê duyệt và xây dựng lộ trình bán phần vốn nhà nước theo quy định tại Quyết định này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm xây dựng danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.

Về kế hoạch CPH trong 5 năm tới, Nhà nước vẫn nắm giữ 100% vốn tại 190 DN trong 12 lĩnh vực quan trọng. Đối với các DN thực hiện CPH mà Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên, chỉ có 4 DN. DN thực hiện sắp xếp, CPH mà Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ có 30 DN và có 109 DN mà Nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ. 

Gắn với đấu giá

Sau IPO, tính bình quân Nhà nước còn nắm giữ 81% vốn điều lệ tại các DNNN, nhà đầu tư bên ngoài nắm giữ 9,5%, nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 7,3%, người lao động và tổ chức công đoàn nắm giữ 2,2%.
Về thoái vốn nhà nước tại các DN đã CPH theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, theo báo cáo của Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về kết quả IPO giai đoạn 2011 - 2015 của 426 DNNN cổ phần hoá thì có 254 DNNN (chiếm 60%) bán được hết cổ phần và 172 DNNN (chiếm 40%) không bán được hết cổ phần theo phương án CPH được phê duyệt.

Báo cáo của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hồi năm 2015 có 128 DN IPO, bình quân bán được khoảng 36% tổng số lượng cổ phần chào bán. Có 63% số DN mà Nhà nước còn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, trong đó có 16% số DN mà Nhà nước nắm giữ trên 90% vốn điều lệ.

Sau IPO, tính bình quân Nhà nước còn nắm giữ 81% vốn điều lệ tại các DNNN, nhà đầu tư bên ngoài nắm giữ 9,5%, nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 7,3%, người lao động và tổ chức công đoàn nắm giữ 2,2%.

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, việc CPH DNNN quy mô lớn gắn với bán đấu giá và niêm yết trên thị trường chứng khoán đã cung cấp cho thị trường chứng khoán hàng hoá có chất lượng, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển thị trường vốn. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2015 có 276 DN CPH bán đấu giá cổ phần lần đầu với tổng số chào bán là 3.068.158.697 cổ phần, trị giá 17.588 tỷ đồng; bán được 1.500.663.351 cổ phần, trị giá 20.547 tỷ đồng, đạt 49% tổng số lượng cổ phần chào bán. Đến nay đã có 411 DN CPH niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, ngoài ra có 207 DN đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM.                         

Tin cùng chuyên mục