Ảnh Internet |
8/88 trạm thu phí bị phản đối
Theo Thanh tra Chính phủ, tính đến tháng 9/2015, Bộ GTVT đã triển khai 78 dự án giao thông theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng-chuyển giao) và BOT với chiều dài khoảng 2.200 km, tổng mức đầu tư gần 219.000 tỷ đồng, trong đó trên 202.000 tỷ đồng là các dự án BOT.
Kết quả tính toán của đơn vị tư vấn độc lập cho thấy, các dự án đưa vào khai thác đã tiết kiệm đáng kể chi phí cho các đối tượng sử dụng, nhất là các doanh nghiệp (giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện, tiết kiệm thời gian vận chuyển hàng hóa, thời gian đi lại của hành khách…) so với khi công trình chưa được đầu tư.
Điển hình, đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, ước tính giảm 50% thời gian đi lại; QL1 đoạn Hà Nội-Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại; QL14 đoạn Pleiku-Cầu 110 (tỉnh Gia Lai) giảm khoảng 37% thời gian đi lại; QL14 đoạn qua Đắk Nông giảm khoảng 30% thời gian đi lại... chưa kể đến các lợi ích khó định lượng được như giảm TNGT, ô nhiễm môi trường…
Theo một đánh giá khách quan của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thực hiện hai năm một lần: Năm 2014, tính khả dụng của hạ tầng giao thông Việt Nam đứng ở vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2016 đến nay, đã có 8/88 trạm thu phí trên địa bàn cả nước gặp sự phản đối của người dân.
Mở đầu là trạm thu phí cầu Hạc Trì (Phú Thọ) vào tháng 3/2016, người dân phản đối việc chặn cầu cũ, bắt đi qua cầu mới để thu phí. Đến tháng 8/2016, trạm BOT Lương Sơn (Hòa Bình) bị phản đối do mức phí quá cao.
Sang đến năm 2017, mở đầu vào tháng 1/2017, trạm BOT Thanh Né (Thái Bình) bị tài xế vây kín. Tháng 3/2017 trạm BOT Tam Nông (Phú Thọ) bị người dây vây kín, buộc phải đóng cửa. Tháng 4/2017, trạm BOT Bến Thủy (Nghệ An) người dân phản đối bằng việc dùng tiền lẻ mua vé, gây ùn tắc.
Tiếp tục trong tháng 4/2017, trạm BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh) nhiều ô tô gắn dòng chữ “Chúng tôi không đi đường BOT sao bắt chúng tôi trả tiền” dàn hàng tập trung và kiên quyết không trả tiền. Tháng 7/2017, đến lượt trạm BOT Quán Hàu (Quảng Bình) gặp sự phản đối. Và, tháng 8/2017 vừa qua là trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) vừa đưa vào vận hành đã vấp ngay phải sự phản đối quyết liệt của người dân và lái xe.
Người dân có lý do để phản đối
Theo Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, cách tài xế “khủng bố” trạm thu phí Cai Lậy bằng tiền lẻ trong chai, thắp nhang... có sắc thái cực đoan, không phải ai cũng ủng hộ, nhưng họ không có công cụ nào khác để thể hiện thái độ chưa hài lòng với chính sách.
Việc này xuất phát từ 3 lý do: Thứ nhất, người dân cần biết vì sao trạm thu phí lại đặt 'nhầm' chỗ, một trạm thu phí đường tránh nhưng lại đặt trên QL1 - nút cổ chai về Đồng bằng Sông Cửu Long, khiến người không đi đường tránh vẫn phải nộp tiền, tức người dân bị nộp phí oan?
Thứ hai, mức phí quá cao. Tuyến tránh thị xã Cai Lậy chỉ 12 km mà thu tới 35.000 đồng/vé/lượt, cao gần bằng khoản thu phí của 50 km đường cao tốc TPHCM-Trung Lương (40.000 đồng/lượt/50 km). Mức phí này căn cứ vào đâu, đã phù hợp với kinh phí đầu tư chưa, tại sao thu từng đó tiền/lượt xe mà không phải con số khác?
Thứ ba, tính minh bạch trong thu phí. Tại sao chủ đầu tư không chịu thu phí điện tử, mặc dù đề xuất này với các dự án BOT đã có từ lâu? Khi thu tiền mặt, rất có khả năng người thu tiền không xé vé; ngoài ra, nếu điện tử hóa việc thu phí thì tài xế không bị dừng lại lâu, việc đưa tiền lẻ cũng không thực hiện được. Từ sự không minh bạch về thu phí, chủ đầu tư có thể báo cáo lưu lượng phương tiện và doanh thu sai lệch, lượng tiền thu vé bị giảm đi và số năm thu phí bị kéo dài.
“BOT vẫn là hình thức đầu tư đúng, được các nước đang phát triển ưu tiên áp dụng khi nhu cầu phát triển hạ tầng đang rất lớn... Nhưng cách các cơ quan quản lý, chủ đầu tư đang áp dụng mô hình này là vấn đề người dân có quyền đặt dấu hỏi”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Kết luận phiên giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định, chủ trương huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng, là hoàn toàn đúng đắn và thời gian qua đã triển khai khá tốt.
Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế, bất cập trong triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT thời gian qua.
“Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư này chưa hoàn thiện, đồng bộ. Trong khi chưa có đánh giá tổng kết về việc xây dựng, triển khai pháp luật, đầu tư lại khá ồ ạt”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Về phía ngành giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận, các dự án BOT còn nhiều vấn đề tồn tại.
Cụ thể, nguồn vốn đầu tư huy động tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đường bộ nên chưa tác động tích cực đến việc tái cơ cấu thị phần vận tải; một số trạm thu phí bố trí chưa hợp lý dẫn tới người dân không có sự lựa chọn; thông tin về dự án chưa được công bố rộng rãi tạo điều kiện cho người sử dụng giám sát; các dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư nên tính cạnh tranh chưa cao; hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện; chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài…
Và mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo lên Thủ tướng việc Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư, phương án thu phí bất hợp lý, phê duyệt tổng mức đầu tư sai lệch, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng thiếu chặt chẽ trong các dự án BOT. Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc thu phí chưa hợp lý, thỏa thuận việc đặt trạm thu phí chưa đảm bảo nguyên tắc…