Nhiều bức xúc từ xã hội hóa y tế

(BĐT) - Trong hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ ra một trong những vấn đề gây nhiều bức xúc trong lĩnh vực y tế là hệ lụy từ đầu tư xã hội hóa.
Khuyến khích khu vực tư tham gia đầu tư vào lĩnh vực y tế phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích của người bệnh
Khuyến khích khu vực tư tham gia đầu tư vào lĩnh vực y tế phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích của người bệnh

Theo Phó Thủ tướng, khi chuyển từ thời kỳ bao cấp sang cơ chế mới, lúc đó khó quá buộc phải nghĩ tới xã hội hóa, bản chất là tư nhân đầu tư len lỏi vào khắp hệ thống y tế, nhất là tuyến trên. Thấy rõ nhất, dễ nhất là giường dịch vụ, tiêu cực nhất là các chẩn đoán, khám chữa bệnh, đặt máy, giữa công và tư rất bức xúc.

Hiện trong lĩnh vực y tế, các hình thức thực hiện liên doanh, liên kết được quy định tại Thông tư 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 của  Bộ Y tế gồm: Đối tác và cơ sở y tế sử dụng tài sản là trang thiết bị, nhà cửa, cơ sở hạ tầng để liên doanh, liên kết tổ chức các hoạt động dịch vụ, hạch toán riêng các chi phí và phân chia thu nhập theo tỷ lệ góp vốn, mức độ tham gia của các bên. Thứ hai, cơ sở y tế công lập và đối tác liên doanh cùng góp vốn bằng tiền hoặc huy động vốn của cán bộ, viên chức, vay vốn ngân hàng phát triển, quỹ kích cầu để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ. Thứ ba và phổ biến nhất là đối tác đầu tư lắp đặt trang thiết bị, cơ sở y tế công lập tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ, trả phía đối tác theo số lượng dịch vụ đã thực hiện (thuê thiết bị và trả chi phí thuê theo dịch vụ).

Theo số liệu của Bộ Y tế, qua tổng hợp báo cáo của 22 Sở Y tế và 16 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, đến nay trong ngành y tế triển khai khoảng 810 đề án liên doanh, liên kết với tổng số vốn là 3.882 tỷ đồng. Các đề án này tập trung đầu tư các trang thiết bị về chẩn đoán hình ảnh, đầu tư trang thiết bị về xét nghiệm, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác chữa bệnh.

Về quy trình lựa chọn đối tác tư nhân, mặc dù Thông tư 15/2007/TT-BYT khuyến khích các cơ sở thực hiện xã hội hóa tổ chức lựa chọn đối tác nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và hiệu quả, nhưng thực tế triển khai cho thấy hầu hết các đối tác liên doanh, liên kết đều do các cơ sở tự lựa chọn.

Một cán bộ của Bộ Y tế qua trao đổi với Báo Đấu thầu cho rằng, xã hội hóa có thể phù hợp với các ngành, lĩnh vực khác, nhưng với y tế thì không phù hợp
Một thống kê sơ bộ cho thấy nhiều đơn vị chưa làm đúng quy trình xây dựng đề án xã hội hóa, đề án còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa báo cáo cơ quan chủ quản, có trường hợp khi vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế, bệnh viện đề nghị Bộ Y tế phê duyệt giá thì mới báo cáo đề án. Có những đơn vị chưa xây dựng phương án giá, quyết định giá dịch vụ, thỏa thuận phương án phân chia thu nhập chưa theo đúng quy định; hoặc không điều chỉnh kịp thời hợp đồng liên doanh liên kết đã ký trong trường hợp số lượng người sử dụng dịch vụ cao hơn nhiều so với dự kiến nên thời gian thu hồi vốn nhanh hơn hợp đồng đã ký.

Điều này dẫn đến tình trạng một số bệnh viện có xu hướng chỉ quan tâm đến khoa, lĩnh vực có thu hoặc tập trung kinh phí và nhân lực vốn đã hạn hẹp để phát triển dịch vụ theo yêu cầu; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao nhưng năng lực, trình độ chuyên môn không tương xứng, nhu cầu sử dụng dịch vụ thấp, vì vậy các bác sĩ được khuyến khích tăng cường chỉ định các dịch vụ kỹ thuật để tăng nguồn thu cho bệnh viện; lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật từ các trang thiết bị xã hội hóa để tận thu, gây thiệt hại cho người bệnh, hình thành nhóm lợi ích do hình thức này không được tách thành pháp nhân độc lập, không hạch toán độc lập. Một số bệnh viện mở ra khoa khám chữa bệnh tự nguyện có trang thiết bị, cơ sở vật chất tốt hơn nhưng chi phí rất cao, dịch vụ không được cải thiện nhiều, mặc dù có huy động sự tham gia của tư nhân nhưng lại chưa đồng bộ, phải dựa vào hạ tầng sẵn có của bệnh viện.

Chính một cán bộ của Bộ Y tế qua trao đổi với Báo Đấu thầu cho rằng, xã hội hóa có thể phù hợp với các ngành, lĩnh vực khác, nhưng với y tế thì không phù hợp, vì y tế có tính đặc thù, người bệnh không có quyền lựa chọn phương án khám chữa bệnh mà theo chỉ định của bác sĩ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, xã hội hóa là cách thức mà thời kỳ trước lựa chọn vì “không làm sao khác được”. Ở thời điểm này, có lẽ cần một cách thức phù hợp hơn, để vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, vừa đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư tư nhân nhằm khuyến khích khu vực tư tham gia đầu tư vào lĩnh vực y tế, nhưng cũng hài hòa lợi ích của người bệnh, nhất là người nghèo.