Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của một số doanh nghiệp xây dựng, cung cấp vật liệu xây dựng. Nguồn: Báo cáo tài chính bán niên 2023 sau soát xét của doanh nghiệp, ngoại trừ Coteccons chưa công bố (Đơn vị tính: tỷ đồng) |
Giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh
Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VCG của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã tăng hơn 70% từ mức 16.770 đồng lên 28.650 đồng, cổ phiếu HHV của Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả tăng 66%, từ 9.390 đồng lên vùng giá 16.000 đồng, cổ phiếu C4G của Công ty CP Tập đoàn CIENCO 4 tăng hơn 60% từ 8.800 đồng lên 14.800 đồng. Các cổ phiếu của doanh nghiệp vật liệu xây dựng như KSB của Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương tăng hơn 50%, cổ phiếu DHA của Công ty CP Hóa An tăng gần 60%, hay cổ phiếu PLC của Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex - doanh nghiệp cung cấp sản phẩm nhựa đường - tăng 48%.
Đặc biệt, trong khoảng thời gian chấm thầu Gói thầu 5.10 thuộc Dự án sân bay Long Thành (quy mô 35.000 tỷ đồng), nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp được đồn đoán trúng thầu đã tăng mạnh. Đơn cử, cổ phiếu CC1 của Tổng công ty Xây dựng số 1 tăng gần gấp đôi, cổ phiếu HAN của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội tăng hơn 60%.
Theo tổng hợp của phóng viên, trong 8 tháng đầu năm, Vinaconex đã trúng nhiều gói thầu lớn thuộc các dự án đầu tư công với tổng giá trị lên tới 56.000 tỷ đồng. Có thể kể đến Gói thầu số 11-XL thuộc Dự án cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi (5.232 tỷ đồng, Vinaconex thực hiện 58% giá trị gói thầu), Gói thầu XL02 thuộc Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang (3.313 tỷ đồng, Vinaconex thực hiện 29%), Gói thầu số 09/TP2-XL thuộc Dự án Vành đai 4 - Hà Nội (1.816 tỷ đồng), Gói thầu số 03-XL thuộc Dự án cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang (900 tỷ đồng). Mới đây, Vinaconex trong vai trò thành viên liên danh đã trúng Gói thầu 5.10 (35.000 tỷ đồng) và Gói thầu 4.6 (7.200 tỷ đồng) thuộc Dự án sân bay Long Thành.
Trong bối cảnh hàng loạt dự án đầu tư công lớn được triển khai, các doanh nghiệp như Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, CIENCO 4 cũng liên tiếp được công bố trúng nhiều gói thầu giao thông quy mô lớn.
Từ đầu năm đến nay, Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả trúng 2 gói thầu XL2, XL3 thuộc Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn với tổng giá trị 10.815 tỷ đồng, trong đó giá trị phần công việc Đèo Cả thực hiện tương ứng 867 tỷ đồng; Gói thầu số 6.12 thuộc Dự án sân bay Long Thành (2.630 tỷ đồng).
Doanh nghiệp này đang dự kiến thực hiện các dự án đối tác công tư (PPP) như: cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc với tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng, đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và kỳ vọng sẽ được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý III/2023; cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (10.620 tỷ đồng) và cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (13.174 tỷ đồng) được kỳ vọng khởi công trong quý cuối năm nay.
Tương tự, CIENCO 4 trúng nhiều gói thầu lớn thuộc các dự án: cao tốc Bùng - Vạn Ninh, cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, Vành đai 4 - Hà Nội, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Vành đai 3 - TP.HCM.
Ngoài các doanh nghiệp xây lắp, Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho rằng, đối với lĩnh vực vật liệu, các doanh nghiệp đá xây dựng cũng sẽ được hưởng lợi chính khi sân bay Long Thành được khởi công.
Các doanh nghiệp khai thác đá quanh khu vực sân bay Long Thành có thể kể đến: Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương sở hữu 3 mỏ đá Tân Mỹ, Phước Vĩnh, Thiện Tân 7 có công suất cấp phép 2,98 triệu m3/năm; Công ty CP Hóa An sở hữu 3 mỏ đá công suất 1,608 triệu m3/năm; Công ty CP Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa sở hữu 5 mỏ đá công suất 5,7 triệu m3/năm.
Hiệu quả DN chưa tương xứng kỳ vọng
Trong nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp xây dựng, cung cấp vật liệu xây dựng vẫn hết sức khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp ghi nhận sụt giảm cả doanh thu và lợi nhuận như Hancorp, CTCP Hưng Thịnh Incons, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Tổng công ty Xây dựng số 1, CIENCO 4, Công ty CP FECON, Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương, CTCP Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa, Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp bắt đầu hưởng trái ngọt từ các dự án đầu tư công, điển hình là Vinaconex. Doanh thu nửa đầu năm 2023 của Vinaconex tăng tới 85,3% so với cùng kỳ 2022, từ 3.525 tỷ đồng lên 6.533 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng trưởng 75% lên 812,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chưa bằng một nửa cùng kỳ năm trước, đạt 261 tỷ đồng, do nửa đầu năm 2022 Vinaconex ghi nhận 663 tỷ đồng từ hoạt động tài chính. Đối với Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, doanh thu và lợi nhuận trước thuế đều tăng hơn 25% so với cùng kỳ 2022, lần lượt đạt 1.151 tỷ đồng và 221 tỷ đồng.